Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào ngày 11-7 kể từ khi ông Zelenskiy giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở miền Đông Ukraine và các liên hệ tiềm năng, theo RT.
Điện Kremlin cho biết cuộc điện đàm giữa ông Putin và ông Zelenskiy do phía Ukraine đề xuất. Cả hai đã thảo luận về cách giải quyết xung đột đang diễn ra ở miền Đông Ukraine cũng như sự hợp tác tiềm năng về việc trao đổi tù binh giữa các bên tham gia xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ảnh: SPUTNIK
Moscow và Kiev đã nhất trí các rằng các cuộc tham vấn như vậy sẽ tiếp tục ở cấp độ chuyên gia, thông cáo của Điện Kremlin cho biết.
Hai vị tổng thống cũng đề cập tới ý tưởng tiếp tục đối thoại trong khuôn khổ “định dạng Normandy” có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Pháp và Đức bên cạnh các nhà lãnh đạo Nga và Ukraine.
Trước đó, ngày 8-7 ông Zelenskiy đề nghị gặp mặt trực tiếp Tổng thống Nga.
“Bây giờ tôi muốn nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chúng ta có cần nói chuyện. Hãy làm việc đó”, Tổng thống Zelenskiy nói hôm 8-7, đồng thời đề xuất cuộc gặp giữa hai bên sẽ có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump và các nhà lãnh đạo phương Tây khác như Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo hãng tin TASS, trả lời câu hỏi về đề nghị của ông Zelenskiy tổ chức cuộc họp có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp và Đức, Tổng thống Putin ngày 11-7 tuyên bố Moscow sẵn sàng cho bất kỳ cuộc đàm phán nào về Ukraine nhưng với điều kiện là chính phủ mới cần được thành lập tại Kiev.
“Chúng tôi không bao giờ từ chối tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào, kể cả việc mở rộng quy trình Normandy”, ông Putin nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga cho rằng, trước tiên, cần phải có chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội nghị thượng đỉnh theo quy trình Normandy.
“Điểm thứ hai, việc thảo luận về các vấn đề sẽ chỉ có thể diễn ra sau khi một chính phủ mới của Ukraine được thành lập và một cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ở nước này”, Tổng thống Nga lưu ý.
Điểm thứ ba cần chú ý, theo ông Putin, ông không biết những bên tham gia khác của Bộ tứ Normandy sẽ phản ứng thế nào với đề nghị gặp mặt.
Ví dụ, Tổng thống Nga chỉ ra rằng Thủ tướng Anh Theresa May sẽ sớm từ chức và ông không biết liệu bà có sẵn sàng nhận lời mời như vậy không.
“Phản ứng của chính quyền Mỹ là gì? Chúng ta không biết. Đức và Pháp sẽ trả lời như thế nào? Đây là những câu hỏi cần câu trả lời”, Tổng thống Nga lưu ý.
Ông Putin tái khẳng định Nga không bao giờ từ chối xây dựng các mối liên hệ nếu việc đó có ý nghĩa. “Vì vậy, sáng kiến này có thể trở nên thú vị”, ông Putin nói.