Theo báo The Guardian, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-5 gửi lời chia buồn tới người thân của những người Mỹ đã qua đời vì COVID-19. Ông gửi lời chia buồn tới các nạn nhân COVID-19 một ngày sau khi Mỹ đánh dấu mất hơn 100.000 người vì đại dịch này.
Tổng thống Trump phát biểu tại Vườn Hồng ở Nhà Trắng hôm 26-5. Ảnh: REUTERS
“Chúng ta vừa chạm tới một cột mốc rất đáng buồn với số người tử vong do COVID-19 lên tới 100.000 người” - Tổng thống Trump viết trên Twitter hôm 28-5.
“Gửi tới tất cả gia đình và bạn bè của những người đã qua đời, tôi muốn dành sự cảm thông và tình cảm chân thành của tôi cho tất cả những điều mà những người tuyệt vời này đã đấu tranh và thể hiện. Chúa sẽ luôn bên các bạn!” - nhà lãnh đạo Mỹ viết tiếp.
Chưa đầy một giờ sau dòng Twitter chia buồn trên, Tổng thống Trump gọi virus gây bệnh COVID-19 là “món quà rất xấu từ Trung Quốc”.
“Khắp nơi trên thế giới nhiễm COVID-19, một món quà rất xấu từ Trung Quốc. Không tốt!” - nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter.
Cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ tối 27-5 đã công bố một video bày tỏ tiếc thương 100.000 người Mỹ đã qua đời do COVID-19.
“Có những khoảnh khắc trong lịch sử của chúng ta rất nghiệt ngã, rất đau lòng và sẽ găm mãi trong tim mỗi chúng ta như là nỗi đau chung. Hôm nay là một trong những khoảnh khắc đó.
Gửi tới tất cả các bạn, những người đang rất đau lòng, tôi rất tiếc vì sự mất mát của các bạn. Cả nước chia buồn cùng các bạn. Hãy cảm thấy an ủi một chút từ thực tế là tất cả chúng tôi đau buồn cùng các bạn” - ông Biden nói trong video.
Mỹ đến nay vẫn là nước có số ca nhiễm lẫn ca tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với 1.766.816 ca nhiễm và 103.299 ca tử vong, theo trang thống kê Worldometer.
TP New York thuộc bang New York là nơi có dịch nghiêm trọng nhất tại Mỹ, với tỉ lệ tử vong tới gần 250/100.000, theo báo The New York Times.
Hiện giờ, khi tình hình dịch đã lắng dịu ở New York thì các điểm nóng mới lại xuất hiện ở các khu vực phía Nam và Trung Tây nước Mỹ.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục thúc giục các thống đốc bang mở cửa kinh tế. Tất cả 50 bang của Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế ở các mức độ khác nhau, theo kênh Al Jazeera.