Theo Reuters, vào ngày 5-1, Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu chính phủ nước này phải hủy bỏ thỏa thuận với liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Diễn biến này đến sau khi Mỹ không kích tiêu diệt tướng Qassem Soleimani của Iran tại sân bay quốc tế tại Baghdad.
"Chính phủ Iraq phải hành động nhằm chấm dứt sự hiện diện của bất kỳ binh sĩ nước ngoài nào tại đất Iraq, cũng như cấm việc họ sử dụng lãnh thổ, không phận và vùng nước (của Iraq) cho bất cứ lý do nào" - nghị quyết của Quốc hội Iraq nhấn mạnh.
Theo nghị quyết, với việc IS đã bị đánh bại thì nước này không còn cần lực lượng nước ngoài nữa và có thể sẽ đóng cửa không phận với máy bay của liên quân.
Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt hiện diện quân sự nước ngoài. Ảnh: REUTERS
Tuy không mang tính chất ràng buộc, song khả năng cao nghị quyết trên sẽ được chính phủ Iraq thông qua khi được chính thủ tướng nước này, ông Adel Abdul-Mahdi, ủng hộ.
Trước đó, cũng vào ngày 5-1, ông Abdul-Mahdi đã có bài phát biểu trước Quốc hội Iraq. Theo ông, sau vụ việc Washington không kích giết chết tướng Soleimani, chính phủ sẽ có hai lựa chọn: Chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài hoặc chỉ cho phép lực lượng này huấn luyện quân đội Iraq.
"Với tư cách là thủ tướng và tổng tư lệnh quân đội, tôi yêu cầu việc thực hiện lựa chọn đầu tiên" - ông Abdul-Mahdi cho biết.
Ông Abdul-Mahdi còn cho rằng việc rút quân của các binh sĩ nước ngoài “vì lợi ích của cả Iraq và Mỹ”, đồng thời kêu gọi quốc hội nước này có hành động nhanh chóng.
Phát biểu tại phiên họp khẩn của Quốc hội ngày 5-1, Thủ tướng Mahdi cho biết phía Mỹ có báo cho phía Iraq kế hoạch không kích tiêu diệt tướng Soleimani chỉ vài phút trước khi sự việc xảy ra. Và rồi dù chính phủ Iraq không đồng ý phía Mỹ vẫn đơn phương thực hiện.
Bộ Ngoại giao Iraq cho biết nước này đã gửi công hàm phản đối lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc Mỹ vi phạm chủ quyền lãnh thổ.
Người dân Iraq tuần hành sau cái chết của tướng Soleimani. Ảnh: GETTY IMAGES
Hiện tại có khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên lãnh thổ Iraq nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức IS. Nếu nghị quyết trên được chính phủ Iraq thông qua, Mỹ có thể sẽ phải rút toàn bộ lực lượng trên - một bước đi sẽ khiến Iran gia tăng ảnh hưởng lên nước láng giềng Iraq.
Trong một động thái có liên quan, ngay sau khi cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Iraq diễn ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bình luận rằng "Chúng tôi sẽ xem xét. Chúng tôi đang theo dõi sát sao diễn biến tại Quốc hội Iraq. Nước Mỹ đã sẵn sàng giúp người Iraq có được những thứ họ xứng đáng nhằm tiếp tục nhiệm vụ đánh bại chủ nghĩa khủng bố từ IS và các tổ chức khác trong khu vực".