Tổ chức phi lợi nhuận Nelson Mandela (NMF) cho rằng bạo lực có thể là cách duy nhất để kêu gọi sự thay đổi chống lại nạn phân biệt chủng tộc, hãng tin Reuters cho hay.
Ngày 4-6, NMF đưa ra tuyên bố về tình hình biểu tình phản đối cái chết của công dân da màu George Floyd. Các cuộc biểu tình đã lan ra khắp các nước Mỹ, nhiều nơi leo thang thành bạo loạn. Người dân nhiều nước châu Âu cũng xuống đường thể hiện sự ủng hộ cộng đồng da màu ở Mỹ.
Tuyên bố cho rằng trong khi bạo lực thường dễ bị coi là hành động của những kẻ cực đoan hay của tội phạm, một số cộng đồng có thể đã tính toán kỹ lưỡng và quyết định rằng "chỉ có những hành động bạo lực như vậy mới khơi dậy phản ứng như họ mong muốn từ phía chính quyền".
Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (ảnh chụp ngày 12-7-2008). Ảnh: REUTERS
"Khi các cộng đồng đối mặt với tình trạng bạo lực dai dẳng mang tính cấu trúc và cả sự xâm phạm thân thể, các phản ứng bạo lực sẽ xảy ra. Việc sử dụng bạo lực có thể là hợp lý và phục vụ các mục tiêu được lựa chọn cẩn thận" - tuyên bố viết.
NMF cho rằng cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc là một vấn đề nan giải. Ngay cả ở Nam Phi - đất nước đã kiên cường đấu tranh lật đổ chế độ Apartheid cách đây 26 năm - quá trình dân chủ vẫn "chưa đảm bảo sinh mạng của người da màu quan trọng như sinh mạng của người da trắng".
Tuyên bố của NMF nhắc đến cái chết của ông Collins Khosa, một người đàn ông da màu được cho là bị lính quân đội Nam Phi đánh chết trong thời gian nước này bị phong tỏa để đối phó với đại dịch COVID-19.
"Lúc này là thời gian để đánh giá một cách tỉnh táo về tư tưởng 'da trắng thượng đẳng' dai dẳng ở đất nước chúng ta, ở Mỹ và trên toàn cầu. Chúng ta cần tính đến thực tế rằng các hình thức bạo lực mang tính cấu trúc và các dạng bạo lực khác sẽ kích động bạo lực" - tuyên bố viết.
* NMF là tổ chức phi lợi nhuận được Tổng thống đầu tiên của Nam Phi, ông Nelson Mandela (1918-2013) thành lập năm 1999 - sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Tổ chức này nhằm bảo vệ thành quả đấu tranh của ông Mandela và người dân Nam Phi và hướng tới một "xã hội công bằng".