Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul phủ nhận Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha bị nhiễm virus Corona - virus gây bệnh viêm phổi cấp đang bùng phát hiện nay.
Theo hãng tin Bloomberg, người phát ngôn chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth đã hủy một số cuộc gặp hôm 30-1 sau khi có một số triệu chứng giống cảm lạnh. Bà Narumon nói rằng ông Prayuth vẫn nhận điện thoại và làm một số công việc khác.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha trong chuyến kiểm tra công tác phòng chống dịch viêm phổi Corona ở sân bay Suvarnabhumi. Ảnh: Bangkok Post
“Theo lời khuyên của bác sĩ, hôm nay tôi nghỉ ốm vì cảm thấy hơi lạnh”, Thủ tướng Prayuth viết trên Twitter.
Một ngày trước đó, tức 29-1, Thủ tướng Prayuth đã đến sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok để kiểm tra công tác phòng chống dịch viêm phổi Corona. Ông được nhìn thấy đeo khẩu trang bảo vệ trong chuyến đi.
Đến chiều 30-1, “#PrayforPrayuth” trở thành hashtag thịnh hành trên mạng xã hội Twitter ở Thái Lan với hơn 35.000 lượt tương tác. Có một số bài đăng hy vọng ông Prayuth nhanh chóng bình phục.
Trả lời câu hỏi từ các PV, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul bác tin đồn Thủ tướng Prayuth bị nhiễm virus Corona và nói rằng ông bị ốm do làm việc quá sức.
Ông Prayuth cũng đã hủy kế hoạch đến thăm viện các bệnh truyền nhiễm Bamrasnadura theo lời khuyên của chuyên gia y tế.
Bộ Y tế Thái Lan khẳng định tình hình sức khỏe của ông Prayuth không liên quan đến virus Corona vì bệnh nhân mắc chủng virus này phải mất khoảng bốn ngày mới xuất hiện triệu chứng.
Giới chức Y tế Thái Lan ngày 31-1 cho biết nước này đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm virus Corona chủng mới (nCoV) đầu tiên từ người sang người tại nước này.
Bệnh nhân là một tài xế taxi người Thái. Người này không hề tới Trung Quốc, nhiều khả năng bị lây nhiễm từ một du khách bị ốm từ Trung Quốc.
Tính đến ngày 1-2, Thái Lan có 19 trường hợp được xác nhận nhiễm nCoV. Đây là quốc gia có số người nhiễm bệnh cao nhất, ngoài Trung Quốc.
Dịch viêm phổi khởi phát từ TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ tháng 12-2019. Hiện đã có 258 người thiệt mạng vì dịch viêm phổi này và tất cả đều ở Trung Quốc và gần 12.000 ca nhiễm dịch trên toàn thế giới.
Dịch Corona đã lan rộng ra 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và buộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.