Mỹ đang nỗ lực thành lập liên minh hàng hải tuần tra vịnh Ba Tư đối phó Iran đến từ việc thời gian qua xảy ra một loạt sự cố liên quan đến việc tàu dầu di chuyển trong khu vực bị tấn công.
Hồi tháng 5, 4 tàu dầu – 2 của Saudi Arabia, 1 của Nauy, 1 của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – bị tấn công gần cảng Fujairah của UAE. Một tháng sau, thêm 2 tàu dầu nữa – 1 của Nhật và 1 của Nauy – bị tấn công tại vịnh Oman gần eo biển Hormuz. Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại khu vực nhanh chóng quy trách nhiệm các sự cố này cho Iran.
Mỹ ra sức thuyết phục Đức
Các nhà ngoại giao cấp cao Mỹ đang làm áp lực để chính phủ Đức cân nhắc lại quyết định không tham gia sáng kiến thành lập một lực lượng hàng hải quốc tế tuần tra vịnh Ba Tư sau một loạt vụ tàu dầu bị tấn công mà Iran được cho là thủ phạm, báo The Washington Free Beacon dẫn thông tin từ nhiều nguồn quan chức Mỹ.
“Chúng tôi đã chính thức yêu cầu Đức gia nhập với Pháp và Anh giúp bảo vệ an ninh eo biển Hormuz. Các thành viên của chính phủ Đức có nói rõ rằng tự do hàng hải phải được bảo vệ” – một thành viên giấu tên trong Đại sứ quán Mỹ tại Đức nói với The Washington Free Beacon.
Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell nói với The Washington Free Beacon rằng: “Sự tham gia của Đức sẽ giúp giảm căng thẳng tình hình. Iran sẽ nhìn thấy một phương Tây thống nhất”.
Tàu tuần tra USS Squall tại vịnh Ba Tư. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, một người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Đức cho biết sẽ phải xác nhận với truyền thông rằng các nỗ lực của Đại sứ Grenell và các quan chức ngoại giao cấp cao khác của Mỹ nhằm làm áp lực buộc Đức tham gia liên minh hàng hải có tên có tên Chiến dịch Lính canh đã thất bại.
“Các quan chức Đức vẫn nói với chúng tôi rằng họ theo về phía chúng tôi, nhưng họ phải đứng về phía Iran trong các vấn đề liên quan đến hạt nhân, vì phải bảo vệ thỏa thuận hạt nhân. Chuyện Iran tấn công tàu dầu không liên quan gì đến thỏa thuận. Vậy lý do gì Đức không đứng về phía chúng tôi lần này?” – một quan chức Mỹ nói.
Đức lo ngại chiến tranh với Iran
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trước đó nói rõ Đức sẽ không ký vào đề xuất thành lập một lực lượng hàng hải quốc tế ở vịnh Ba Tư để đối phó lại đe dọa từ Iran. Ngoại trưởng Maas bảo vệ quyết định tách Đức khỏi liên minh do Mỹ đề xuất với lo ngại Đức có thể bị kéo vào một cuộc chiến tranh với Iran một khi căng thẳng leo thang thêm.
“Thời điểm này, người Anh sẽ tham gia chiến dịch của Mỹ. Chúng tôi sẽ không làm điều này” – ông Maas nói đầu tuần này. Trước đó ông Maas từng nhấn mạnh “có thể không cần giải pháp quân sự” cho tình hình căng thẳng ở khu vực.
Theo hãng Sputnik, Đức không phải là đồng minh châu Âu duy nhất của Mỹ không muốn tham gia liên minh tuần tra hàng hải ở vịnh Ba Tư. Pháp đã từng miễn cưỡng phải tham gia chiến dịch. Sự tham gia của Anh có liên quan đến việc một tàu dầu mang cờ Anh bị phía Iran bắt ở eo biển Hormuz tháng trước vì cáo buộc vi phạm luật hàng hải.
Hình ảnh chụp từ trên không ngày 21-7 cho thấy một xuồng máy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran chạy quanh tàu dầu Stena Impero mang cờ Anh ở eo biển Hormuz. Tàu dầu này bị bắt về cảng Bandar Abbas của Iran. Ảnh: AP
Sự việc này xảy ra vài tuần sau khi Anh bắt giữ một tàu Iran bên ngoài bờ biển Gibraltar (một lãnh thổ ngoài khơi của Anh) với cáo buộc tàu này vận chuyển dầu thô đến Syria, vi phạm trừng phạt của Liên minh châu Âu – cáo buộc Iran phủ nhận.
Phương Tây không thống nhất?
Nhiều ý kiến cho rằng việc Đức từ chối tham gia liên minh tuần tra vịnh Ba Tư do Mỹ dẫn đầu chỉ chứng minh với Iran – vốn vẫn mạnh mẽ bác bỏ chuyện mình có liên quan các sự cố tàu dầu bị tấn công – rằng phương Tây không thống nhất.
Một tàu dầu bốc cháy tại biển Oman ngày 13-6. Ảnh: AP
Theo Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, với việc ông Maas xác nhận Đức không mong muốn tham gia liên minh tuần tra hàng hải do Mỹ dẫn đầu, Mỹ đã thất bại trong việc thành lập một chiến dịch hàng hải thống nhất ở vịnh Ba Tư. Lý do vì Mỹ “cô đơn một mình trên thế giới”, và “các nước là bạn Mỹ quá xấu hổ với việc nằm trong một liên minh” với Mỹ.