Hãng tin Reuters cho hay những bình luận của ông Esper trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò bộ trưởng Quốc phòng Mỹ có thể sẽ gây căng thẳng vốn đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng, đặc biệt là ở biển Đông giàu năng lượng. Điều này đã dấy lên lo ngại trong khu vực và Mỹ đang thách thức tham vọng độc chiếm của Trung Quốc, đồng thời tìm kiếm mối quan hệ khắng khít hơn với các quốc gia trong khu vực nhằm đẩy lùi Bắc Kinh.
“Chúng tôi tin chắc rằng không một quốc gia nào có thể hoặc nên thống trị Ấn Độ - Thái Bình Dương, chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết các nhu cầu an ninh cấp bách của khu vực” - ông Esper nói với các PV ở Sydney, Úc.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phát biểu bên cạnh Ngoại trưởng Mike Pompeo trong cuộc họp báo chung với các đối tác Úc tại Sydney, Úc ngày 4-8. Ảnh: REUTERS
“Chúng tôi cũng kiên quyết chống lại hành vi hung hăng đáng lo ngại, gây mất ổn định từ Trung Quốc. Điều này bao gồm quân sự hóa toàn cầu, sử dụng đòn bẩy kinh tế và nợ nần nhằm tạo sức ép trước các thỏa thuận về chủ quyền và thúc đẩy hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ của các quốc gia khác.
Trung Quốc đã làm mất lòng tin trong khu vực và gây hấn với Mỹ bằng cách lắp đặt các thiết bị quân sự và các phương tiện khác trên các đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 2-8 nhấn mạnh “hành vi hung hăng kéo dài hàng chục thập niên qua” của Trung Quốc đã cản trở thương mại tự do. Phát biểu của ông Pompeo được đưa ra tại diễn đàn Đông Nam Á ở Bangkok, Thái Lan về cuộc thương chiến giữa Washington với Bắc Kinh.
Cùng lúc đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-8 đã áp thuế 10% đối với 300 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Một ngày sau đó, Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả thích đáng.
Cả ông Esper và ông Pompeo đã gặp gỡ các đối tác Úc tại Sydney vào hôm 4-8 tại một diễn đàn an ninh thường niên, nơi Mỹ và Úc cam kết tăng cường sự phản đối đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Mỹ và các đồng minh phương Tây lo ngại rằng Trung Quốc đang sử dụng nguồn vốn viện trợ làm công cụ gây ảnh hưởng lớn hơn đối với các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương.
Để chống lại chính sách ngoại giao “bẫy nợ” của Trung Quốc, Úc trong vai trò cường quốc ở Nam Thái Bình Dương đã hứa tài trợ lên tới 2,04 tỉ USD và các khoản vay ưu đãi.
“Hợp tác với chúng tôi và những người bạn Úc sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên, chứ không phải số không, hay chỉ một bên được lợi với những rủi ro mất mát” - ông Pompeo nói thêm.