Tờ The Nikkei hôm 20-9 đưa tin Thẩm phán Laurel Beeler của Toà án cấp quận TP San Francisco (bang California) vừa ra phán quyết ngăn chặn Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh buộc các tập đoàn Apple và Google phải xóa ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực vào ngày 27-9 (giờ địa phương).
Phán quyết của bà Beeler cũng đồng thời chặn Bộ Thương mại áp dụng các lệnh cấm các giao dịch khác với Wechat ở thị trường Mỹ.
Ứng dụng Wechat xuất hiện trên kho ứng dụng của Apple (Ảnh chụp vào tháng 3-2020). Ảnh: AFP
Theo Thẩm phán Laurel Beeler, dù Bộ Thương mại khẳng định lệnh cấm xuất phát từ các lo ngại về an ninh quốc gia đối với ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc, chính quyền Washington đến nay trên thực tế vẫn chưa đưa ra được nhiều bằng chứng thuyết phục cho lập luận này.
Vẫn còn nhiều cách giải quyết thay vì ban lệnh cấm hoàn toàn, chẳng hạn như chỉ cần cấm sử dụng WeChat trong các thiết bị của nhân viên chính phủ Mỹ. Bước đi của Bộ Thương mại đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận và gây khó khăn cho hoạt động của WeChat cùng những người dùng ứng dụng này" - bà Beeler nhấn mạnh.
Hiện Bộ Tư pháp Mỹ đã ra tuyên bố đề nghị Thẩm phán Beeler thu hồi phán quyết chặn lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ. Theo cơ quan này, quyết định của bà "sẽ gây thất vọng và làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Tổng thống Trump trong nỗ lực tìm ra cách tốt nhất chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia".
Trong khi đó, tổ chức Liên minh người dùng Wechat tại Mỹ ngày 19-9 đã nộp đơn khởi kiện lệnh cấm ứng dụng nhắn tin Trung Quốc của chính quyền ông Trump lên Toà án TP San Francisco. Tổ chức này ca ngợi phán quyết của bà Beeler là "chiến thắng quan trọng và đầy gian nan cho hàng triệu người dùng WeChat ở Mỹ".
"Nước Mỹ chưa bao giờ đóng cửa toàn bộ một nền tảng dùng để trao đổi thông tin liên lạc, kể cả trong giai đoạn chiến tranh. Lệnh cấm đã chà đạp lên Tu Chính án số 1 Hiến pháp Mỹ vốn đảm bảo quyền tự do ngôn luận cùng nhiều quyền tự do biểu đạt cơ bản khác" - luật sư Michael Bien đại diện cho Liên minh người dùng WeChat tại Mỹ khẳng định.