Ngày 31-10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ lệnh triệu tập Đại sứ Pháp Charles Fries đến để phản đối việc Quốc hội Pháp ra nghị quyết lên án chiến dịch Mùa xuân Hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ ở bắc Syria, hãng tin Anadolu dẫn một số nguồn tin ngoại giao cho biết.
Theo Anadolu, phía Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích mạnh thái độ của Quốc hội Pháp với chiến dịch quân sự của mình đánh vào đông bắc Syria.
“Chúng tôi lên án mạnh và phản đối các quyết định của Thượng viện và Hạ viện Pháp về chiến dịch Mùa xuân Hòa bình”, Anadolu dẫn tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tay súng nổi dậy Syria (FSA) - được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ và chiến đấu bên hàng ngũ Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Mùa xuân Hòa bình - trên đường phố thị trấn Tal Abyad, tỉnh Raqqa (Syria) ngày 29-10. Ảnh: REUTERS
Ngày 30-10, Quốc hội Pháp đã đồng lòng thông qua một nghị quyết lên án chiến dịch Mùa xuân Hòa bình mà Thổ Nhĩ Kỳ phát động đánh vào đông bắc Syria. Nhiều nghị sĩ Pháp đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ ngưng ngay lập tức chiến dịch này và xác nhận lại sự ủng hộ của mình với Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - tổ chức mà lực lượng dân quân người Kurd (YPG) là thành viên chính.
YPG là đối tượng tấn công chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch Mùa xuân Hòa bình, và đây cũng là lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ xem là cánh tay nối dài của tổ chức ly khai Đảng Công nhân người Kurd ở miền nam nước mình.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khi phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình từ ngày 9-10 là để quét sạch “hành lang khủng bố”, lập một “vùng an toàn” sâu 32 km từ biên giới hai nước vào sâu trong Syria để đưa người tị nạn Syria đang ở bên nước mình trở về.
Ngày 22-10, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký một biên bản ghi nhớ 10 điểm cho phép Nga triển khai một số đơn vị quân cảnh và chính phủ Syria triển khai lính biên phòng đến biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Các lực lượng Nga và Syria sẽ hỗ trợ lực lượng YPG rút quân và vũ khí ra khỏi khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ định sẽ lập “vùng an toàn”.