Thủ tướng Lebanon Hassan Diab hôm 10-8 đã chính thức tuyên bố chính phủ nước này sẽ từ chức, chưa đầy một tuần sau vụ nổ lớn ở Beirut làm 160 người thiệt mạng và châm ngòi cho các cuộc biểu tình bạo lực.
Phát biểu vào tối hôm 10-8 (giờ địa phương), ông Diab cho biết ông hiện đang có mặt cùng những người dân kêu gọi chính phủ Lebanon nhận trách nhiệm về vụ nổ mà họ ví như một "tội ác" trầm trọng.
“Tôi đã từng nghĩ rằng mình có thể khắc phục vấn nạn tham nhũng ở Lebanon, tuy nhiên vấn đề lại quá lớn và phức tạp hơn. Vì vậy, tôi chính thức tuyên bố việc từ chức của chính phủ Lebanon” - Thủ tướng Diab nói, khẳng định vụ nổ tuần vừa rồi là kết quả của nạn tham nhũng.
Ông Diab cũng cho rằng các bộ trưởng chính phủ Lebanon đã thật sự “hết sức mình” vì họ quan tâm đến đất nước. Ông cáo buộc các đối thủ chính trị của mình lợi dụng vụ thảm họa để "phá hủy bộ máy nhà nước Lebanon".
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab. Ảnh: CNN
Thủ tướng Diab đệ đơn từ chức lên Tổng thống Lebanon Michel Aoun khoảng một giờ sau bài phát biểu của ông.
Theo đài RT, Tổng thống Aoun đã chấp nhận đơn từ chức và yêu cầu bộ máy chính phủ đương nhiệm tiếp tục quản lý đất nước cho đến khi thành lập chính phủ mới.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Lebanon Hamad Hassan đã xác nhận với báo giới rằng việc từ chức dự kiến sẽ xảy ra sớm.
Quyết định từ chức được đưa ra khi người dân Lebanon xuống đường biểu tình tại thủ đô Beirut đêm thứ ba liên tiếp, nhằm yêu cầu chính quyền nước này từ chức và chịu trách nhiệm về vụ nổ ngày 4-8 vừa qua.
Thủ tướng Lebanon Hassan Diab trình đơn từ chức lên Tổng thống Michel Aoun tại dinh tổng thống ngày 10-8. Ảnh: REUTERS
Vụ nổ hôm 4-8 liên quan đến một kho chứa hóa chất và phá hủy phần lớn thủ đô Beirut là giọt nước tràn ly đối với người dân Lebanon.
Đồng tiền của Lebanon đã mất 70% giá trị kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu hồi tháng 10-2019. Tình trạng nghèo đói đã tăng vọt, Ngân hàng Thế giới dự báo rằng hơn một nửa dân số của đất nước sẽ sống trong nghèo khó vào năm 2020.
Chính phủ Lebanon đã trở nên bất lực khi đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân hàng ngày càng gia tăng. Nước này đã không thông qua luật kiểm soát vốn, làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng thanh khoản của đất nước.
Gần một năm nay, phần lớn người dân Lebanon đã bị giới hạn nghiêm ngặt việc rút tiền mặt ở các ngân hàng. Trong khi đó, hàng tỉ USD lại bị giới thượng lưu rút khỏi Lebanon càng làm cạn kiệt thêm nguồn dự trữ ngoại tệ.
Các cuộc biểu tình vào cuối tuần qua là một trong những cuộc biểu tình lớn và bạo lực nhất mà thủ đô Beirut từng chứng kiến, khi những người biểu tình chiếm đóng một số cơ quan của chính phủ và ném đá vào lực lượng an ninh. Lực lượng cảnh sát phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông.