Đặc phái viên Trung Quốc về Syria Xie Xiaoyan nói rằng cái cớ của Mỹ để duy trì hiện diện quân sự ở Syria, cụ thể là bảo vệ các giếng dầu của Syria, là không thể biện hộ được.
“Ai trao cho người Mỹ cái quyền làm điều này? Và theo lời mời của ai mà Mỹ bảo vệ các giếng dầu của Syria” - ông Xie Xiaoyan nói tại một buổi họp báo ở thủ đô Moscow (Nga) hôm 18-12, theo kênh Press TV.
Một cậu bé Syria nhìn một đoàn xe bọc thép của Mỹ tuần tra gần thị trấn Qahtaniyah, đông bắc Syria tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Cuối tháng 10, Mỹ đảo ngược quyết định trước đó rút toàn bộ lực lượng khỏi đông bắc Syria, thông báo triển khai khoảng 500 binh sĩ để bảo vệ các giếng dầu do lực lượng người Kurd ở Syria kiểm soát.
Mỹ nói động thái này nhằm bảo vệ các mỏ dầu và cơ sở vật chất trước các cuộc tấn công tiềm năng của nhóm khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tuyên bố này được đưa ra khi Tổng thống Donald Trump trước đó nói rằng Washington tìm kiếm lợi ích kinh tế trong việc kiểm soát các mỏ dầu của Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sau đó đe dọa rằng lực lượng Mỹ được triển khai tới các mỏ dầu sẽ sử dụng “vũ lực” chống lại bất kỳ bên nào tìm cách thay đổi quyền kiểm soát các mỏ dầu, kể cả đó là lực lượng chính phủ Syria hay đồng minh Nga của họ.
Syria vốn không cho phép Mỹ hiện diện quân sự trên lãnh thổ mình, nói rằng Mỹ đang “cướp bóc” dầu mỏ của Syria.
Đặc phái viên Trung Quốc về Syria Xie Xiaoyan cho hay ông có mặt ở Moscow lần thứ hai trong năm nay để tiếp tục tham vấn với phía Nga về vấn đề Syria.
Ông Xie nói rằng một sự dàn xếp chính trị là cách duy nhất giải quyết khủng hoảng Syria, kêu gọi tất cả bên có liên quan đoàn kết để đưa cuộc chiến đi đến hồi kết.
“Chúng tôi hy vọng tất cả bên và người chơi tham gia cuộc khủng hoảng Syria sẽ chung tay và cùng nhau nỗ lực nhằm duy trì xung lượng cho sự dàn xếp chính trị này” - ông Xie nói.
“Tính chủ quyền, nền độc lập và tín toàn vẹn lãnh thổ của Syria phải được tôn trọng và bảo vệ. Tương lai của Syria phải nằm trong tay người dân Syria. Hãy để họ độc lập quyết định tương lai của riêng họ” - ông Xie nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đặc phái viên Trung Quốc cũng nói rằng vẫn có những bất ổn ở miền Bắc Syria và mối đe dọa khủng bố vẫn còn. Ông Xie kêu gọi “sự chú tâm ngay tức thì” của cộng đồng quốc tế khi người tị nạn Syria dần dần trở về nhà và vấn đề tái thiết Syria trở lại trên bàn nghị sự.
Ông Xie nói Trung Quốc và Nga có thể đóng vai trò cùng nhau trong việc nhanh chóng tìm ra một giải pháp lâu dài cho khủng hoảng Syria.
Nga-Trung chặn nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về cung cấp viện trợ cho Syria
Việc cung cấp viện trợ cho khoảng 4 triệu người Syria bị đe dọa sau khi Nga và Trung Quốc hôm 20-12 phủ quyết một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về gia hạn chiến dịch nhân đạo xuyên biên giới, theo hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ).
Các cơ quan viện trợ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không thu hẹp quy mô về cung cấp hàng hóa nhân đạo. Ảnh: GETTY
Nga và Trung Quốc đồng phủ quyết sau nhiều ngày đàm phán căng thẳng về việc gia hạn nghị quyết cho phép sử dụng các đồn biên phòng Syria để chuyển thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác.
Kể từ năm 2014, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ủy quyền cho các đoàn xe viện trợ đi qua các ngã tư như Bab al-Salam và Bab al-Hawa ở Thổ Nhĩ Kỳ, Al Yarubiyah ở Iraq và Al-Ramtha ở Jordan. Tuy nhiên, nghị quyết về những chiến dịch này sẽ hết hạn vào ngày 10-1.
Một nghị quyết do Kuwait, Đức và Bỉ soạn thảo sẽ cho phép vận chuyển từ hai chốt điểm ở Thổ Nhĩ Kỳ và một chốt điểm ở Iraq thêm một năm nữa. Tuy nhiên, nghị quyết do Nga đề xuất muốn gia hạn cơ chế cung cấp nhân đạo xuyên biên giới tới Syria nhưng chỉ thông qua hai chốt điểm là Bab al-Salam và Bab al-Hawa nằm trên biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Và Nga cũng chỉ muốn gia hạn nghị quyết này thêm sáu tháng, tức tới ngày 10-7-2020.
Nga muốn chấm dứt chốt điểm Ramtha ở biên giới Jordan và Yaroubiyeh ở biên giới Iraq.
Theo báo The Guardian, đây là lần thứ 14 Nga dùng quyền phủ quyết để ủng hộ Tổng thống Syria Bashar Al-Assad kể từ khi nội chiến ở Syria bùng nổ năm 2011. 13 thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủng hộ dự thảo nghị quyết.
Trước đó, Phó điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc Ursula Mueller hối thúc các thành viên của hội đồng nhất trí về việc gia hạn nghị quyết về các chiến dịch viện trợ xuyên biên giới, nói rằng các chiến dịch này đã “ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở Syria”.