Nga làm thay công việc Mỹ còn dang dở ở Syria

Thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về dàn xếp an ninh ở đông bắc Syria là chiến thắng lớn về cách tiếp cận ngoại giao của Nga, song Mỹ gần như không bị “đè bẹp” bởi điều đó, các chuyên gia Trung Đông nói với RT.

Hôm 22-10, khủng hoảng an ninh ở đông bắc Syria do Mỹ rút khỏi Syria khiến dân quân người Kurd đối mặt với cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đã được xoa dịu. Bước đột phá này đến từ Nga, nơi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Vladimir Putin ký một thỏa thuận ngắn về cách cung cấp an ninh dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo thỏa thuận, lực lượng tay súng người Kurd mà Ankara xem là khủng bố rút lui khỏi khu vực biên giới và lực lượng chính phủ Syria bước vào làm lính biên phòng. Đến giờ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kiểm soát vùng lãnh thổ mà nước này chiếm được trong những ngày trước đó, song không còn cố giành quyền kiểm soát toàn bộ chiều dài biên giới với địa bàn người Kurd nữa. Cảnh sát quân sự Nga cũng sẽ được triển khai, trong đó có các cuộc tuần tra chung với binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo các bên kiềm chế và tránh đụng độ.

Chiến thắng ngoại giao của Nga

Sự dàn xếp này chứng tỏ rằng Nga có thể đóng vai trò trung gian hòa giải một tình huống rất phức tạp và ngăn chặn những kết quả tồi tệ nhất, chẳng hạn như vô số sinh mạng sẽ bị cướp đi giống như nhiều người dự đoán nếu tình hình ở đông bắc Syria leo thang, chuyên gia Grigory Lukyanov làm việc tại Trường Kinh tế cao cấp HSE của Nga nói với RT.

Cảnh sát quân sự của Nga. Ảnh: SPUTNIK

 “Nga đang tự mình đảm nhận một số trách nhiệm nhất định mà Mỹ đã thất bại đối với cả người Kurd ở Syria và với Thổ Nhĩ Kỳ” - ông Lukyanov nói.

Người Kurd ở Syria đã nhận được sự bảo vệ của Mỹ trước Thổ Nhĩ Kỳ sau khi giữ vai trò lực lượng mặt đất cho chiến dịch quân sự được Mỹ bảo trợ tấn công khủng bố ở Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ tức giận việc Mỹ cung cấp vũ khí và huấn luyện cho lực lượng dân quân người Kurd vì Ankara vốn xem họ là đe dọa  an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ quyết định rút lực lượng Mỹ khỏi khu vực khiến ông vấp phải chỉ trích gay gắt tại Washington. Một số người cáo buộc ông bật đèn xanh cho một cuộc thảm sát. Và thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã thay đổi kịch bản đó.

 “Mục tiêu chính của thỏa thuận này là đình chỉ cuộc tấn công Chiến dịch mùa xuân hòa bình của Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta sẽ theo dõi xem thỏa thuận này được thực thi trên thực tế như thế nào. Theo tôi biết, cả giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều mong được hưởng lợi từ thỏa thuận này” - ông Lukyanov nói.

Mỹ thất bại ê chề ở Syria?

Chuyên gia Lukyanov không đồng tình ý kiến của một số nhà quan sát ở Mỹ và Nga cho rằng diễn biến này là thất bại ê chề của Mỹ.

“Đánh giá mọi thứ trong bối cảnh quan hệ Nga-Mỹ là phản tác dụng. Tình hình ở Syria chứng minh điều đó” - ông giải thích.

Binh sĩ Mỹ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc tuần tra chung ở miền Bắc Syria. Ảnh: REUTERS

Việc Mỹ bất ngờ rút khỏi khu vực đã đặt nước này vào vị thế đàm phán mạnh mẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và việc rút quân này thực sự không thật tâm. Washington dường như không có ý định sơ tán căn cứ quân sự của mình khỏi biên giới Syria-Jordan. Và thậm chí Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện quân sự ở các địa bàn người Kurd, chứ không chỉ tại biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ.

Tất nhiên, việc “bảo vệ mỏ dầu” là biện minh tồi tệ hơn nhiều về mặt đạo lý cho việc có nhiều gót giày của binh sĩ hơn là “đánh bại khủng bố” hay “bảo vệ đồng minh” - Ruslan Mamedov, chuyên gia Trung Đông từ Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga ở Moscow, nói với RT.

Tổng thống Trump có thể cố gắng ghi được vài điểm chính trị từ việc đưa những binh sĩ này gần hơn tới cuộc bầu cử năm 2020.

“Ông Trump có thể tuyên bố một cuộc rút quân khác của Mỹ khỏi Syria như một phần trong chiến lược tái tranh cử của ông và nói "Tôi đã hứa và tôi đã làm". Cho dù thực tế vẫn có một số binh sĩ ở đó” - ông Mamedov nêu ý kiến.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo gỡ bỏ trừng phạt cho Thổ Nhĩ Kỳ tại Nhà Trắng ngày 23-10. Ảnh: GETTY

Việc Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự ở Syria không còn phục vụ cho các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ nữa, theo chuyên gia Lukyanov. Suy cho cùng, Washington dường như không bận tâm quá trình chuyển giao ở Syria thời hậu chiến sẽ như thế nào.

“Nhưng ngược lại, thỏa thuận Nga - Thổ Nhĩ Kỳ được ký bởi các bên tham gia trực tiếp vào việc xác định tương lai của Syria và quan tâm tới một giải pháp nhanh chóng cho cuộc xung đột” - ông Lukyanov nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm