Trung Quốc ngày 1-12 ban hành một quy định mới yêu cầu người dân phải chịu quét mặt cung cấp nhận diện khuôn mặt khi đăng ký dịch vụ điện thoại di động, theo tin từ báo South China Morning Post (SCMP).
Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc nói biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn việc mua đi bán lại thẻ SIM và bảo vệ người dân trong trường hợp thông tin nhận dạng của họ bị đánh cắp.
Nhiều dịch vụ trực tuyến và truyền thông xã hội ở Trung Quốc cũng liên kết với số điện thoại di động để đảm bảo có thể truy được người dùng.
Dân Trung Quốc khi đăng ký sử dụng dịch vụ viễn thông di động phải chịu quét mặt để nhận diện khuôn mặt. Ảnh: SCMP
Đây là điểm mới vì hồi tháng 9 Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc chỉ thông báo người dân khi đăng ký dịch vụ điện thoại di động phải cung cấp một bản sao chứng minh nhân dân của mình.
Về quy định mới này, tại Trung Quốc có nhiều phản ứng khác nhau. Nhiều người hy vọng quy định mới này sẽ giúp ngăn ngừa các vụ lừa đảo qua điện thoại. Trong khi đó không ít người cho rằng đây chỉ là một ví dụ nữa của việc chính phủ tăng cường giám sát công dân.
Công nghệ nhận diện khuôn mặt được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực thương mại, an ninh và giám sát. Ảnh: SCMP
Nhiều chuyên gia thậm chí cả truyền thông quốc gia Trung Quốc đều lo ngại quy định này không bảo vệ sự riêng tư của người dân.
Có ý kiến chuyên gia lo ngại chính phủ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mà không có biện pháp bảo vệ đúng đắn thông tin người dân.
Theo GS luật Lao Dongyan tại ĐH Thanh Hoa, Trung Quốc, không có một luật bao quát về công nghệ nhận diện khuôn mặt.
“Sự bảo vệ dữ liệu cá nhân trong luật hình sự không đủ. Phần lớn thời gian chúng ta không biết dữ liệu của mình bị thu thập và việc bảo quản, sử dụng dữ liệu không tuân theo các quy định pháp lý. Theo luật pháp và quy định Trung Quốc, thu thập thông tin cá nhân người khác cần phải có sự đồng ý của họ nhưng thực tế công nghệ nhận diện khuôn mặt được sử dụng rộng rãi khi người dân không biết nhiều về nó” - SCMP dẫn lời bà Lao nói tại một hội nghị chuyên đề về nhận diện khuôn mặt và bảo vệ quyền riêng tư tại Bắc Kinh tuần trước.
“Việc lạm dụng thu thập dữ liệu có thể là một đe dọa lớn nhưng luật hình sự chúng ta không có quy định về việc lạm dụng sử dụng dữ liệu” - GS Lao lo ngại.
Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc nói biện pháp này sẽ giúp ngăn chặn việc mua đi bán lại thẻ SIM và bảo vệ người dân trong trường hợp thông tin nhận dạng của họ bị đánh cắp. Ảnh: SCMP
Thậm chí trong trường hợp luật hình sự có quy định về việc lạm dụng sử dụng dữ liệu cá nhân để bảo vệ dữ liệu khuôn mặt người dân đi nữa, nhiều chuyên gia pháp lý cũng cho rằng nó sẽ không ngăn chặn được rủi ro thông tin cá nhân rơi vào tay chính phủ.
“Một khi công nghệ này được sử dụng ở quy mô lớn, chúng ta không có nơi nào để trốn. Rủi ro của công nghệ nhận dạng khuôn mặt là rất cao và ảnh hưởng sâu rộng” - theo luật sư Wang Xinrui ở Bắc Kinh.
Nhiều chuyện gia lo ngại chính phủ sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt mà không có biện pháp bảo vệ đúng đắn thông tin người dân. Ảnh: SCMP
Đài truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV ngày 30-11 nói rằng nhiều chương trình ứng dụng ở Trung Quốc thu thập dữ liệu khuôn mặt người dân mà không có sự đồng ý của người dùng.
Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài bình luận rằng người dân phải có quyền nói không khi được yêu cầu quét mặt. Nhân Dân Nhật Báo lên tiếng sau trường hợp hơn 5.000 dữ liệu khuôn mặt bị bán trực tuyến chỉ với 10 nhân dân tệ (tầm 35.000 đồng) mỗi dữ liệu.