Động thái trên diễn ra trước thời hạn ngày 23-2 do phe đối lập và chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra cho Tổng thống Nicolas Maduro nhằm chấm dứt cuộc phong tỏa và cho phép chuyển viện trợ nhân đạo vốn đang chất đống tại các khu vực biên giới của Venezuela.
“Cuộc đấu viện trợ” này được coi là một diễn biến then chốt trong nỗ lực của phe đối lập nhằm buộc Tổng thống Maduro từ bỏ quyền lực, theo báo The New York Times.
Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cho biết, ngoài việc đóng cửa biên giới, chính phủ Venezuela sẽ xem xét lại mối quan hệ giữa họ với ba hòn đảo Aruba, Bonaire và Curacao, nơi phe đối lập Venezuela muốn tổ chức việc tiếp tế.
“Đó là một quyết định về chủ quyền”, bà Rodriguez nói, đồng thời gọi các động thái nhằm đưa hàng viện trợ thông qua các đảo này vào Venezuela là một nỗ lực của các nước láng giềng “nhằm phớt lờ quyền lực hợp pháp của nước này”.
Trước động thái đóng cửa biên giới với ba hòn đảo thuộc Hà Lan, chính phủ của ông Maduro đã sử dụng các container để chặn một cây cầu nối liền nước này với Colombia, nơi hàng viện trợ của Mỹ đã được chuyển đến hồi đầu tháng này.
Hàng viện trợ tại một nhà kho ở Colombia. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Phe đối lập nói rằng họ sẽ cố gắng đưa viện trợ vào Venezuala vào ngày 23-2 tới thông qua biên giới phía tây với Colombia và biên giới phía đông với Brazil.
Ông Maduro tuyên bố nhân dân Venezuela không phải là “những người ăn xin” và sẽ không chấp nhận số hàng viện trợ trên, dù tình trạng suy sụp về kinh tế đã dẫn đến nạn đói lan rộng ở nước này.
Hôm 20-2, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cho biết lãnh đạo của họ đã gặp Thủ tướng Curaçao nhằm bàn việc tổ chức việc tiếp tế tại các kho tư nhân trên đảo.
Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã cảnh báo về những hậu quả nếu viện trợ không được phép đưa vào Venezuela hôm 23-2, nhấn mạnh các lãnh đạo quân sự ở Venezuela sẽ “mất tất cả mọi thứ” nếu vẫn trung thành với ông Maduro.
Ông Maduro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 5-2018 với số phiếu bầu thấp và nhiều cáo buộc gian lận. Kết quả này đã bị nhiều nước, đặc biệt Mỹ và châu Âu đặt câu hỏi về tính hợp pháp.
Tuy nhiên, ông Maduro vẫn tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ hai ngày 10-1. Ngày 23-1, ông Guaido tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của Venezuela, và được Mỹ cùng một loạt nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á công nhận.