Với hướng dẫn mới nhất từ Bộ Y tế ra ngày 21-2-2022 thì các F1 dù đã tiêm phòng hay mới khỏi COVID-19 vẫn cần thực hiện cách ly y tế tại nhà năm ngày, thực hiện xét nghiệm tại ngày thứ năm và chưa tiêm thì cần cách ly tại nhà bảy ngày và thực hiện xét nghiệm tại ngày thứ bảy. Xét nghiệm này cần có sự xác nhận của nhân viên y tế.
Tuy nhiên, khi chủng Omicron chiếm ưu thế, tốc độ lây lan nhanh, số lượng F0 trung bình trong nhiều ngày ở sáu chữ số thì số lượng F1 cũng gia tăng mạnh và ước tính hiện tại là một con số khổng lồ. Việc cách ly F1 theo phương án hiện nay sẽ tạo ra những vấn đề kinh tế - xã hội. Thứ nhất, rất nhiều công nhân, người lao động, nhân viên của các doanh nghiệp (DN) trở thành F1 và khi phải cách ly 5-7 ngày sẽ mất nguồn thu nhập, hoặc nếu họ vẫn được trả tiền lương thì gánh nặng này đổ lên vai DN, vốn đã rất tổn thương sau mùa giãn cách qua cách đây chưa lâu, đang trong giai đoạn phục hồi.
Bên cạnh đó, việc cách ly tất cả F1 và cách ly nhiều ngày khiến hệ thống sản xuất, cung ứng bị gián đoạn do thiếu nguồn nhân lực. Điều đó vô tình tạo ra trở lực cho quá trình tái thiết, phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã đề ra. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế cần xem xét điều chỉnh các quy định về cách ly F1 để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội.
Cần nhấn mạnh rằng sinh mạng của người dân vẫn là ưu tiên trên hết. Chúng ta không đặt sức khỏe của người dân nằm dưới bài toán kinh tế. Tuy nhiên, hiểu đúng phương pháp cách ly F1 sẽ giúp chúng ta giảm tối đa “chi phí cơ hội” của việc cách ly, tức là vừa đảm bảo ưu tiên sức khỏe cộng đồng, vừa đảm bảo chuyện “áo cơm” của người dân, DN.
Theo hướng dẫn của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật (CDC) ở Mỹ, việc cách ly F1 trong năm ngày chỉ thực hiện với người chưa tiêm đủ mũi vaccine. Với người đã tiêm đủ mũi theo quy định, khi trở thành F1 không cần cách ly trừ khi đã xuất hiện các triệu chứng nghi nhiễm (ho, sốt, sổ mũi…). Tự xét nghiệm vào ngày thứ năm (sau khi tiếp xúc F0), đồng thời tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tới ngày thứ 10. Nếu trong giai đoạn này có triệu chứng thì tự cách ly và xét nghiệm….
Ở Việt Nam, với tình hình số ca nhiễm tăng cao gây áp lực mạnh với kinh tế - giáo dục và hoạt động xã hội, trong đó đa phần là các ca bệnh nhẹ, có thể tự điều trị, số ca phải nhập viện vẫn nằm trong mức độ đáp ứng của hệ thống y tế thì việc áp dụng linh hoạt bảng hướng dẫn này của CDC Mỹ là một phương án hợp lý. F1 nếu tiêm đủ ba mũi vaccine đủ hai tuần (và không quá sáu tháng sau lần tiêm gần nhất) thì không cần phải cách ly nhưng khi đi làm, đến nơi công cộng vẫn phải đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên… để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, người nhiễm COVID-19 không quá ba tháng, nếu trở thành F1 cũng không cần phải cách ly và tập trung vào các giải pháp 5K.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 3-3 đã chỉ đạo Bộ Y tế tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tôi cho rằng việc cách ly F1 một cách hợp lý, dựa trên bằng chứng khoa học và kinh nghiệm quốc tế cũng nằm trong tiến trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.