Quyết định cắt bỏ bộ móng tay đã nuôi dài 66 năm

Ông Shridhar Chillal (82 tuổi, sống ở Pune, Ấn Độ) từng được biết đến với bộ móng vuốt dài nhất thế giới. Được biết tính đến thời điểm ông hiến tặng bộ móng, ông đã giữ gìn và nuôi dài nó suốt 66 năm.

Bộ móng tay dài 9 m của ông Shridhar Chillal. Ảnh: Guiness Record

Ông Shridhar Chillal bắt đầu nuôi móng tay từ năm 16 tuổi. Sau hơn sáu thập kỷ, tổng bộ móng của ông đã dài 9,09 m, tương đương với chiều dài của một chiếc xe bus.

Tổng bộ móng của ông có chiều dài 9,09 m. Ảnh: Guiness Record

Ông Chillal bắt đầu nuôi móng tay của mình từ năm 1952, sau khi ông bị thầy giáo đánh vì lỡ làm gãy móng tay dài nhất của thầy. Kể từ đó ông tự hứa sẽ không bao giờ cắt móng tay nữa.

Tuy nhiên, sau 66 năm, ông đột nhiên hủy bỏ lời hứa và quyết định cắt đi bộ móng và hiến tặng cho bảo tàng. Buổi lễ "cắt móng tay" đã được diễn ra trang trọng tại bảo tàng "Ripley's Believe It or Not!" ở quảng trường Times, New York hồi đầu tuần này. Bộ móng của ông cũng sẽ được trưng bày tại đây để nhiều người có thể dễ dàng chiêm ngưỡng nó.

Ông Shridhar Chillal được công nhận là người có bộ móng dài nhất trên một tay vào năm 2014. Ảnh: Guiness Record

Được biết ông Chillal phải bay tới New York (Mỹ) và nhờ tới sự giúp đỡ của bác sĩ để cắt bỏ bộ móng của mình. Sử dụng một loại cưa đặc biệt, các bác sĩ đã lấy từng "sợi" móng tay của ông Chillal ra. Quá trình cắt bỏ "báu vật" này kéo dài trong 20 phút. Sau khi đo đạc kỹ lưỡng, tổng chiều dài của các móng tay cộng lại là 9,09 m, trong đó ngón cái dài nhất với 198 cm.

Không ngủ ngon vì sợ gãy móng

Vào năm 2014, sách kỷ lục Guinness thế giới đã công nhận ông Chillal là người có bộ móng dài nhất thế giới trên một bàn tay. Ông Chillal từng nói rằng bộ móng của ông rất giòn, dễ gãy nên ông đã phải rất cẩn thận để không làm gãy nó trong lúc ngủ.

"Khi ngủ, để tránh làm gãy móng, tôi thường không được di chuyển nó. Vậy nên cứ mỗi giờ đồng hồ, tôi đều phải thức dậy để di chuyển bộ móng theo đúng tư thế ngủ khác. Nó là phần quan trọng đối với tôi nên tôi gần như dành cả đời để chăm sóc bộ móng của mình" - ông Chillal nói với sách kỷ lục Guiness.

Lúc ngủ, ông Shridhar Chillal phải quấn bộ móng lại để tránh làm gãy nó. Ảnh: Reuters

Kể từ khi ông quyết định nuôi móng tay, thầy giáo của ông Chillal từng cảnh báo với ông về sự rắc rối để chăm sóc nó nhưng lúc đấy ông không thể hiểu hết cho đến khi bộ móng của ông ngày một dài ra. Thậm chí, đôi khi ông trở thành người bị khuyết tật tay trái vì dường như ông không dám sử dụng tay để làm bất cứ việc gì vì sợ làm gãy móng.

Lớn lên, ông Chillal suốt ngày phải nghe những lời chỉ trích của người thân về "bộ móng tay gớm ghiếc" của mình. Nhiều người đã quan ngại rằng ông khó có thể tìm được việc làm và lập gia đình vì không một ai chịu được bộ móng ấy. Tuy nhiên, ông vẫn trở thành một nhiếp ảnh gia dù chỉ sử dụng đơn thuần một tay phải, cũng như tìm được một phụ nữ của đời mình và kết hôn vào năm 29 tuổi.

Trở ngại duy nhất của ông Chillal là khi bộ móng ngày một dài và nặng hơn. Khi ông di chuyển, những chiếc móng kéo lê trên sàn nhà và nó khiến đầu móng tay ông đau dữ dội. "Tôi rất đau, nó buốt rát thấu tim khi bộ móng quệt trúng sàn nhà và vai tôi thường xuyên mỏi vì phải "gánh" theo bộ móng" - ông Chillal kể lại.

Các bác sĩ phải dùng đến cưa để cắt bộ móng cho ông Chillal. Ảnh: Reuters

Từ nay, ông Chillal sẽ không còn phải mang theo bộ móng nặng nề nữa. Ảnh: Reuters

Ông Chillal cho biết rằng đã suy nghĩ rất lâu về việc có nên cắt móng tay hay không. Nhưng khi ông biết rằng bảo tàng "Ripley's Believe it or Not!" sẽ gìn giữ nó và trưng bày cho nhiều người khác đến xem thì "tôi nghĩ rằng quyết định cắt móng tay của mình đúng đắn".

Trên Instagram, sách kỷ lục Guinness thế giới phát biểu: "Cuối cùng, sau 66 năm, người phá kỷ lục Guiness Shridhar Chillal đến từ Ấn Độ đã quyết định cắt đi bộ móng tuyệt vời và triển lãm nó tại Bảo tàng Ripleysbelieveitornot ở quảng trường Times (New York, Mỹ). Ông Shridhar từng có một bộ móng đáng nhớ được ghi tên trong sách kỷ lục Guiness số 1979.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm