Rà soát, bãi bỏ chứng chỉ, điều kiện kinh doanh không cần thiết

(PLO)- Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ yêu cầu bộ, ngành, địa phương rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, các loại chứng chỉ không cần thiết...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (Ban Chỉ đạo) của Chính phủ tại phiên họp thứ bảy.

Hoàn thiện Trung tâm phục vụ hành chính công theo cơ chế một cửa

Tại kết luận này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, rà soát, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, hoàn thành trước tháng 6-2024, vì việc này rất cấp bách.

Kế đến là rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung. Việc này hoàn thành trong Quý II-2024.

Rà soát, bãi bỏ chứng chỉ, điều kiện kinh doanh không cần thiết
Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm, bãi bỏ những loại chứng chỉ không cần thiết. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các quy định để hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước” - Ban Chỉ đạo nêu rõ và yêu cầu hoàn thành trước 31-3.

Cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài và các quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm...

Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật.

Một nhiệm vụ khác là các đơn vị, địa phương tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế. Đồng thời, thực hiện sáp nhập các đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào Quý III-2024.

Bộ Nội vụ được giao rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

“Tiếp tục hoàn thiện các Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, áp dụng chuyển đổi số, tổ chức tinh gọn, phù hợp với thực tiễn” – Kết luận nêu.

Hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia

Các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm chống thất thoát, chống tiêu cực, lãng phí trong sử dụng tài chính công và cơ cấu lại chi cho đầu tư phát triển tăng ít nhất 2% năm để dịch chuyển cơ cấu chi từ nay đến cuối năm 2025 đạt mức 40%.

Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin bảo đảm cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công an, các bộ, cơ quan liên quan tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, địa phương. Mục đích là phục vụ phân tích, xử lý dữ liệu, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp được giao phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chế độ, chính sách đặc thù cho người làm công tác thể chế. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên ngân sách Nhà nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm