Liên Hợp Quốc (LHQ) báo cáo rằng Nga đã tăng cường các hoạt động hậu cần hỗ trợ nhà thầu quân sự tư nhân Wagner (Nga) tham chiến tại Libya, hãng tin Reuters cho hay.
Reuters cho biết ngày 2-9, cơ quan truyền thông này đã tiếp cận được một tài liệu do các đơn vị giám sát độc lập trình lên cơ quan chuyên trách của Hội đồng Bảo an LHQ về trừng phạt Libya. Báo cáo này chưa được LHQ công khai.
Theo đó, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Jordan và Qatar bị cáo buộc đã vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya.
Năm nước này, cùng với Ai Cập và Syria, đã vi phạm lệnh trừng phạt của LHQ vì không kiểm tra "các kiện hàng trên các tàu thương mại hoặc máy bay đáng ngờ tới Libya khi có những căn cứ hợp lý".
Phái đoàn thường trực của các nước bị nhắc đến trong báo cáo chưa đưa ra phản hồi về thông tin mà Reuters tiết lộ.
Các binh sĩ Libya thuộc Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tại TP Bengazhi (miền đông Libya) hồi tháng 4-2019. Ảnh: REUTERS
Báo cáo đánh giá "lệnh cấm vận vũ khí (mà LHQ áp đặt lên Libya - PV) vẫn hoàn toàn không hiệu quả".
Các cơ quan giám sát phát hiện từ ngày 1-11-2019 đến ngày 31-7-2020, các máy bay quân sự Nga đã thực hiện 338 "chuyến bay đáng ngờ" xuất phát từ Syria để tới Libya.
Đồng thời, "sự hỗ trực hậu cần trực tiếp của Nga dành cho Wagner, và có thể là các công ty quân sự tư nhân khác của Nga, đã gia tăng đáng kể từ tháng 1-2020 đến tháng 6-2020", báo cáo viết.
"Kể từ sau sự tham gia trực tiếp hơn (vào chiến sự ở Libya - PV) của Thổ Nhĩ Kỳ từ tháng 12-2019 và UAE từ tháng 1-2020, việc hai nước này chuyển giao vũ khí cho Libya đã diễn ra trên quy mô lớn, ngang nhiên và hoàn toàn không quan tâm tới các biện pháp trừng phạt", các cơ quan giám sát cảnh báo.
Libya bắt đầu bất ổn sau khi các lực lượng được NATO hậu thuẫn lật đổ và sát hại nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi vào năm 2011.
Từ năm 2014, sự phân hóa chính trị và đảng phải đã đẩy quốc gia Bắc Phi này chìm trong xung đột. Trong đó, hai lực lượng lớn nhất là Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA - được LHQ công nhận) và Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar.
GNA đang kiểm soát thủ đô Tripoli cùng phần tây bắc đất nước và nhận được sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, LNA đang quản lý phần phía đông Libya và được Nga, Ai Cập và UAE hỗ trợ.
Hôm 8-7, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres báo động về "sự can thiệp của nước ngoài đạt đến mức độ chưa từng có" tại Libya. LHQ đã liệt kê thông tin chính xác của 122 lính đánh thuê Wagner ở Libya.
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia phủ nhận các cáo buộc về việc Nga can thiệp vào xung đột Libya và nói rằng Moscow có bằng chứng lính đánh thuê của các nước khác tham chiến ở quốc gia Bắc Phi này.
Hồi tháng 5, Reuters cho biết trong một báo cáo mật, LHQ cáo buộc Wagner có thể đã triển khai tới 1.200 quân ở Libya.
Trước đó, trong tháng 1, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nếu có bất kỳ binh lính người Nga nào ở Libya, lực lượng này không đại diện cho chính phủ Nga và Moscow cũng không trả tiền cho những người đánh thuê như vậy.