Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xác nhận một chiếc máy bay quân sự gặp nạn hôm 29-1 và rơi trong lúc bay huấn luyện tại huyện Tuy Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam nước này .
Bắc Kinh không cung cấp thông tin chi tiết về số thương vong cũng như chủng loại máy bay nhưng một nguồn tin thân cận với không quân Trung Quốc tiết lộ ít nhất 12 thành viên tổ bay đã thiệt mạng.
Nguồn tin cho biết máy bay Trung Quốc gặp nạn hôm 29-1 có thể là máy bay tình báo điện tử và tín hiệu (SIGINT/ELINT) Y-8G. Ảnh: SCMP
Nguồn tin cho biết dựa trên dấu vết tại hiện trường, đây có thể là máy bay tình báo điện tử và tín hiệu (SIGINT/ELINT) Y-8G.
“Có khoảng 12 người gồm đàn ông và phụ nữ trên máy bay và không ai trong số họ xoay xở được khi máy bay rơi” - nguồn tin nói với điều kiện giấu tên.
“Không có ghế phóng dù trên chiếc máy bay đó, vì vậy phi công lẫn thành viên tổ bay chỉ còn biết phụ thuộc vào các balô dù trên khoang. Tuy nhiên, họ sẽ không có đủ thời gian để nhảy xuống bởi máy bay lao xuống với tốc độ rất nhanh” - nguồn tin nhấn mạnh.
Nguồn tin cho hay vụ tai nạn lần này đã làm sụt giảm nhuệ khí trong lực lượng không quân Trung Quốc bởi lẽ vụ việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi một tiêm kích J-15 của nước này bị rơi.
Một nguồn tin quân sự thứ hai nói rằng hiện không rõ liệu vụ rơi tiêm kích J-15 hồi tháng trước có gây ra thương vong hay không nhưng lo ngại đang tăng lên việc sẽ xảy ra thêm nhiều vụ tai nạn tương tự trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường các cuộc diễn tập trên không.
Đến ngày 1-2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc vẫn chưa phản hồi về sự vụ.
Năm ngoái, Không quân Trung Quốc bắt đầu các cuộc diễn tập chuyên sâu sử dụng chiến đấu cơ trong khu vực, bao gồm tuần tra “vây quanh” trên không thường xuyên gần Đài Loan và các cuộc diễn tập theo kiểu tác chiến chiến tranh thực ở không phận Thái Bình Dương. Mục đích các cuộc diễn tập này nhằm thể hiện Bắc Kinh có thể phá vỡ “vòng phòng thủ thứ nhất” (first island chain).
Vòng phòng thủ thứ nhất này chạy từ Đài Loan qua quần đảo Trường Sa tới Singapore ở cuối bán đảo Malaysia. Trong đó có cả các đảo thuộc Nhật Bản, Okinawa, Philippines và Brunei, theo BBC.
Nguồn tin nhận định hai vụ tai nạn máy bay quân sự gần đây cho thấy những máy bay quân sự Trung Quốc “không hoàn chỉnh” và không có khả năng đảm nhận các sứ mệnh.
“Chúng ta phải công nhận ở Trung Quốc có một lỗ hổng chết người giữa các hoạt động huấn luyện sẵn sàng tác chiến của không quân với việc phát triển máy bay quân sự chưa hoàn thiện” - nguồn tin đánh giá.
“Cả chiếc Y-8 lẫn J-15 đều mắc phải một số vấn đề, bao gồm vấn đề ở động cơ, thiết kế máy bay và sự cải biến. Tuy nhiên, thay vì tiến hành thêm các chuyến bay thử nghiệm, các phi công lại bị thúc ép trực tiếp lên máy bay ngay cả khi máy bay còn chưa hoàn thiện. Bởi vì đây chính là nhiệm vụ chính trị “xây dựng một lực lượng chiến đấu sẵn sàng tác chiến” - nguồn tin nhấn mạnh.
Nguồn tin đầu tiên cho rằng các phi công Trung Quốc được truyền dạy cứu lấy máy bay là ưu tiên hàng đầu, thay vì đảm bảo an toàn cho bản thân”.
Nguồn tin thêm rằng có thể trong tương lai sẽ xảy ra thêm nhiều vụ tai nạn tương tự, bởi vì quân đội Trung Quốc đang chịu sức ép lớn từ giới lãnh đạo hàng đầu của Ủy ban quân sự trung ương về việc tiến hành nhiều trận diễn tập bắn đạn thật và ở mọi điều kiện thời tiết.
Hồi tháng 11, truyền thông Trung Quốc đưa tin một phi công 29 tuổi tên Huang Peng đã thiệt mạng trong một vụ rơi máy bay. Các nguồn tin quân sự cho hay Huang đã ra sức cứu nguy cho tiêm kích J-11B và đã chần chừ không phóng dù nhảy khỏi máy bay nên mới xảy ra thảm kịch.
Một tháng trước đó, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã phát sóng một chương trình tuyên truyền, trong đó ca ngợi các phi công lái tiêm kích J-15 là Cao Xianjian và Zhang Chao đã hết mình cứu lấy máy bay khi chúng đang lao xuống đất.
Hai phi công này liên quan tới hai vụ tai nạn khác nhau nhưng chỉ cách nhau ba tuần trong tháng 4-2016. Zhang, 29 tuổi, tử nạn trong lúc cố gắng đáp máy bay, còn Cao tuy may mắn sống sót nhưng lại bị thương nghiêm trọng, phải hơn một năm sau mới phục hồi.
“Lo ngại lớn nhất của chúng tôi là khi chúng tôi (phi công) phát hiện máy bay gặp vấn đề, làm sao tôi có thể bay trở lại căn cứ một cách an toàn? Các phi công (PLA) không nên để mặc tiêm kích của họ… Chúng tôi là bạn đồng hành thân thiết” - Cao nói với CCTV.