Bầu không khí oi bức ở TP.HCM kéo dài từ sáng sớm, đến đầu giờ chiều 23-4, nhiều khu vực bất ngờ đổ mưa. Một số nơi mưa khá nặng hạt.
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM lúc 15 giờ chiều cùng ngày, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, radar và số liệu định vị sét cho thấy mây đối lưu đang phát triển trên khu vực tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, An Giang và Cà Mau.
Đầu giờ chiều 23-4, nhiều khu vực phía Nam xuất hiện mây đen, báo hiệu sắp có mưa giông. Ảnh do Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cung cấp
“Chiều nay (23-4), những địa điểm nêu trên có mưa, giông. Trong thời gian tới, mây đối lưu sẽ tiếp tục phát triển gây ra mưa rào và giông cho khu vực nói trên và sau đó mở rộng về phía Nam và các khu vực lân cận, trong đó có TP.HCM. Trong cơn mưa giông cần đề phòng có lốc và gió giật mạnh” - ông Quyết cho biết thêm.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định từ chiều nay (23-4) đến ngày 25-4, địa bàn TP.HCM nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung sẽ có mưa rào và giông vào chiều tối.
Một số khu vực ở TP.HCM mưa khá nặng hạt. Ảnh: KB
Vì sao TP.HCM đang nắng gắt bất ngờ xuất hiện đợt mưa giông?
Ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) giải thích: “Nguyên nhân do Nam bộ chịu ảnh hưởng bởi rìa Nam của rãnh áp thấp nối với vùng áp thấp phía Tây (có trục khoảng 24-26 độ Bắc) tiếp tục bị nén bởi áp cao lục địa ở phía Bắc và rìa Bắc của rãnh áp thấp xích đạo… Các hình thế này làm cho tình hình nắng nóng Nam bộ giảm, mưa, giông xuất hiện nhiều hơn”.
Tuy nhiên, theo ông Quyết, đợt mưa này vẫn là mưa trái mùa chứ chưa phải là giai đoạn chuyển mùa.
Ông Quyết nhận định: Khoảng từ ngày 5 đến 10-5, TP.HCM mới bắt đầu vào mùa mưa. Nếu mùa mưa bắt đầu vào thời điểm này thì diễn ra bình thường, không sớm hoặc muộn hơn so với những năm gần đây.