Có khác chăng là dân cư ở con đường đó, mặt đường đó tăng hơn so với ngày trước mà thôi.
Con đường Lê Văn Sỹ, xưa là con đường “Ai vô Rờ Quẹt” (Eyriaud des Verges) Trương Minh Giảng. Trương Minh Giảng thuở tôi ở truồng tắm mưa là một trong những con đường loại này. Có khác gì đâu ngày xưa ấy khi tiếng tu huýt hoét hoét rồi thanh chắn ngang hạ xuống cho quá nhiều chuyến xe thong dong đưa người từ ga Hòa Hưng đi về ga Bắc rồi đi ngược trở lại về Hòa Hưng từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Tiếng còi tàu ngày xưa và ngày nay có khác gì không lúc thanh chắn hạ xuống rồi cất lên cao. Những chiếc xe gắn máy, xe hơi bóng lộn đời mới phải dừng lại để chờ tàu xuôi ngược cũng chẳng khác gì những chiếc xe Goebel, taxi Citroen, xích lô đạp, xe ba gác ngày xưa. Và cũng không hiếm cảnh xe “hôn” nhau ở khu vực này. Tôi nhớ chuyện nhà văn Nhật Tiến năm 1974 đã vào bệnh viện vì đụng xe tại cổng xe lửa số 6 khi thanh chắn đường tàu vừa cất lên.
Đoạn đường cổng xe lửa số 6, Lê Văn Sỹ xưa nay đều có kẹt xe.
Chuyện kẹt xe ở khu vực đường rày xe lửa cổng số 6 như câu chuyện ngày xưa vì chuyện ngày xưa cũng không hiếm cảnh kẹt xe. Trên tuần báo Đời, bài báo của Đỗ Quyên (1972) đã “khen” về cái đoạn đường này như sau:
“Đó là lần đầu tiên tôi được thưởng thức cái cảnh kẹt xe của đường Trương Minh Giảng. Chặng đầu tiên ở ngay dốc cầu Trương Minh Giảng, một chiếc xe hơi ló đầu ra khỏi hẻm để qua đường nhưng dòng xe xuôi ngược quá đông nên “hắn” chỉ là ra được chút một. Mỗi lần hắn rú ga, nhích được chừng một tấc rồi lại khựng lại và con đường lưu thông cứ hẹp dần… Càng lúc xe càng đông, vài chiếc xe lam ba bánh cũng cố lách cố chen, thế là đường nghẽn hẳn. Hàng trăm chiếc xe đua nhau nổ máy và nhả khói mù mịt… Chừng 10 phút sau, một vị “bạn dân” (cảnh sát) gỡ rối cho chúng tôi. Dòng xe lại lũ lượt nối đuôi nhau xuôi về Lăng Cha Cả hay ngược lên Sài Gòn. Đúng 6 giờ 30 tối thì tôi lại gặp chuyến xe lửa sắp xuyên qua cổng số 6. Lại một màn ngừng xe và chờ đợi. Các anh xe lam, xe díp, xe hai bánh và cả xe hơi nóng tính lại đua nhau xếp hàng lên trên. Lấn sang cả nửa đường bên trái. Những người chờ đợi ở bên kia cổng cũng nóng lòng không kém, tự cho đường mình đi chỉ có một chiều nên dăng hàng băng ngang một lượt. Khi cổng xe lửa được nhấc lên rồi, một màn giành đường đã diễn ra. Và kết quả là cả hai chiều lên xuống gặp nhau giữa đường ray đều rú ga tại chỗ, không ai nhích được chút nào”.
Bài báo này viết vào năm 1972 nhưng năm năm trước đó, trên báo Chấn Hưng Kinh Tế, tác giả Lê Văn Trình đã thấy trước cảnh kẹt xe khắp thành phố Sài Gòn nên đã dự báo “… Cộng chung các con đường Sài Gòn chiều dài vào khoảng 350 cây số. Thế mà theo một tài liệu hiện có ở Ty Cảnh sát Công lộ thì Sài Gòn hiện nay có gần một triệu xe cộ đủ loại đang lưu thông trên các đường phố, tin rằng khó có phép nhiệm màu nào tránh được nạn kẹt xe và tai nạn lưu thông. Người ta hình dung thấy trong một ngày không xa lắm, muốn di chuyển từ Sài Gòn đến Chợ Lớn phải mất hai tiếng đồng hồ vì nạn kẹt xe. Phải mất một giờ rưỡi để bay qua 640 cây số từ Huế tới Sài Gòn nhưng phải mất cùng thời gian để đáp xe từ phi cảng Tân Sơn Nhất tới Tòa Đô chính Sài Gòn (UBND TP) dài sáu cây số, nhất là nếu du khách mắc kẹt trong giờ tan sở”.
Số lượng xe gắn máy ngày trước so với tám triệu rưỡi xe gắn máy ngày nay, cộng với số lượng xe hơi tăng lên hằng ngày thế là Sài Gòn từ một thành phố kẹt xe trở thành TP.HCM kẹt xe trầm trọng. Khi dân số từ ba triệu đã tăng lên gần 10 triệu mà đường phố mở mang chẳng được bao nhiêu, xe lửa ga Hòa Hưng thì ngày ngày góp phần đắc lực cho chuyện kẹt xe này vẫn chưa được di dời thì tình trạng kẹt xe lưu cữu vẫn là bài toán đau đầu cho chính quyền tìm lời giải, nỗi chịu đựng cho cư dân…