Lực lượng cứu hộ đang tìm mọi cách để giải cứu 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng.
“Sự cố nghiêm trọng như vậy nhưng các công nhân bị nạn vẫn an toàn là điều quá may mắn”, nhiều người làm trong lĩnh vực xây dựng nói với tôi như thế. Song họ cho rằng, dù không có người chết nhưng vụ sập hầm phải được xem là tai nạn lao động rất nghiêm trọng. Theo đó, nguyên nhân vụ sập hầm, trách nhiệm của chủ đầu tư phải cần phải được làm rõ.
Theo tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH), chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014, cả nước đã xảy ra 280 vụ tai nạn lao động chết người. Trong đó, lĩnh vực xây dựng đứng đầu chiếm 37,04% tổng số vụ tai nạn và 34,5% tổng số người chết. Tiếp đến là lĩnh vực khai thác khoáng sản chiếm 17,3% tổng số vụ và 16,1% tổng số người chết...
Tôi hỏi nhiều người quen trong lĩnh vực xây dựng và khai thác khoáng sản, sao người chết ở hai lĩnh vực này nhiều quá, họ cho rằng nếu không có sự may mắn giống như vụ sập hầm thủy điện, người chết còn có thể cao hơn. “Tôi đã vào nhiều công trình xây dựng, thấy nhiều nơi giàn giáo ngổn ngang, không đảm bảo an toàn nhưng họ vẫn làm. Tai nạn xảy ra là điều không thể tránh khỏi”, một người bạn từng làm cho một công ty xây dựng lớn (giờ làm cho công ty nước ngoài), ngao ngán.
Thông thường, khi xảy ra tai nạn lao động, không ít đơn vị hay dùng từ “rủi ro” để né tránh trách nhiệm. Cũng có không ít người bị nạn, hay người thân của họ cũng xem tai nạn là sự rủi ro nên sẵn sàng “xí xóa” nếu được bồi thường.
Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong 6 tháng đầu năm 2014, dù số người chết do tai nạn lao động rất nhiều nhưng cũng chỉ mới có một vụ được khởi tố (vụ cháy làm chết 6 người ở Quảng Ninh, số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của Cục an toàn lao động – Bộ LĐTB&XH).
Theo nghĩa đơn thuần của tiếng Việt, “rủi ro” là từ chỉ sự xui rủi, điều kém may mắn, xảy ra một cách đột ngột, bất thường và thường không lường trước được. Đây cũng là khái niệm hay được các bên liên quan dùng để lý giải nguyên nhân và thỏa thuận với nhau khi xảy ra tai nạn lao động chết người.
Trên thực tế, có rất nhiều vụ tai nạn lao động không phải do rủi ro. Cụ thể, theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm hơn 54% trong các vụ tai nạn xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2014 ở nước ta. Trong đó, khâu thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 33,3%, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 9,8% …
Có thể có nhiều cách hiểu khác nhau về từ “rủi ro” nhưng bản chất của sự rủi ro là điều không chắc chắn. Nếu biết chắc nó sẽ xảy ra thì không thể gọi là rủi ro. Như một công trình xây dựng không tuân thủ các điều kiện về kỹ thuật, tai nạn xảy ra là điều khó có thể tránh khỏi, sao gọi là rủi ro?
Tôi nghĩ, không chỉ trong lĩnh vực xây dựng, ở những lĩnh vực khác cũng vậy, chúng ta nên hạn chế sử dụng từ rủi ro để nói về tai nạn, nhất là những tai nạn liên quan đến mạng sống con người.