Sắp tắt sóng 2G hàng triệu thuê bao điện thoại 'cục gạch'

(PLO)- Đại diện các nhà mạng lớn ở Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp đã có lộ trình thực hiện, nhất là tăng cường phủ sóng 4G để thay thế 2G, thời điểm tắt sóng 2G sẽ không gây xáo trộn lớn cho người dùng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-7, tại Hà Nội, Báo Vietnamnet và Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?"

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA), trên thế giới trong những năm gần đây, số lượng các nhà khai thác dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể và các nước đều lên kế hoạch dừng công nghệ 2G và 3G vào năm 2030.

Tính đến thời điểm tháng 6-2024, có khoảng 37 quốc gia đã tắt hoàn toàn mạng 2G. Trong đó, Châu Mỹ có 25 quốc gia; châu Á có 7 quốc gia; Châu Âu có 4 quốc gia, Châu Đại Dương có 1 quốc gia; Châu Phi chưa có quốc gia nào tắt hoàn toàn mạng 2G.

Công nghệ 2G đã 30 tuổi và 3G gần 20 năm tuổi, hiện là những công nghệ lỗi thời và mạng cần được hiện đại hóa. Công nghệ 4G, 5G và sắp tới là 6G là sự phát triển tiếp theo của mạng di động và cung cấp các tùy chọn tối ưu hóa bao gồm tốc độ nhanh hơn, dung lượng lớn hơn và hiệu quả hoạt động.

tat-song-2g-co-gay-xao-tron-lon-cho-nguoi-dung.JPG
Theo lãnh đạo Cục Viễn Thông, việc dừng công nghệ 2G đem lại lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp. Ảnh: VT

Tại toạ đàm, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, việc dừng công nghệ 2G đem lại lợi ích cho người dân, xã hội và các doanh nghiệp. Với người dân, những người đang sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ 2G sẽ được nhà mạng hỗ trợ qua các hình thức hỗ trợ tiền mua đầu cuối là thiết bị đầu cuối thông minh, hỗ trợ các gói cước sử dụng dữ liệu có nhiều tính năng hiện đại hơn thích hợp với công nghệ mới.

Với việc sử dụng thiết bị thông minh, người dân có cơ hội tiếp cận với nhiều dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ hành chính công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp cận thông tin qua các ứng dụng khi truy cập Internet.

Đại diện Cục Viễn thông cũng thông tin, để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT&TT đã đề nghị các nhà mạng di động triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế trạm thu phát vô tuyến 2G tại khu vực tắt sóng; chú trọng phát triển hạ tầng tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đến năm 2025, tất cả thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G.

Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo các Sở TT&TT tham mưu cho Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố có giải pháp hỗ trợ người sử dụng, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Đồng thời Bộ cũng tiếp tục yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như truyền thông tới từng thuê bao, có giải pháp hỗ trợ thiết bị đầu cuối cho người dùng, nhất là người già, người có thu nhập thấp, sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Về phía các nhà mạng, Lê Đắc Kiên, Phó Tổng Giám đốc VNPT VinaPhone cho biết, trước lộ trình tắt sóng 2G, thời gian qua đơn vị này đã đẩy nhanh, về mặt mạng lưới đã tăng cường phủ sóng 4G để thay thế.

VinaPhone đang có kế hoạch chuẩn bị trạm 4G để thay thế 2G. Về mặt mạng lưới, công nghệ đã được chuẩn bị đầy đủ.

Tuy nhiên, khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng, có thể kể đến như ngư dân ngoài đảo xa chỉ dùng điện thoại 2G để nhắn tin vì nhu cầu của họ chỉ có vậy. Do đó VinaPhone đã mua sắm thiết bị đầu cuối smartphone giá rẻ, điện thoại thông thường hỗ trợ 3G, 4G để hỗ trợ những đối tượng này.

“Người dân hoàn toàn yên tâm do việc trải nghiệm điện thoại đó giống máy điện thoại đời cũ”- ông Lê Khắc Kiên nói.

Theo lộ trình dừng vận hành hệ thống di động 2G mà Bộ TT&TT vừa công bố, từ ngày 16-9 tới, nhà mạng dừng cung cấp dịch vụ cho những thiết bị đầu cuối, bao gồm điện thoại 2G, vốn chỉ vận hành theo chuẩn GSM.

Dịch vụ này chỉ phục vụ cho mục đích truyền, nhận dữ liệu giữa thiết bị với thiết bị (M2M). Sau ngày 15-9-2026, toàn quốc dừng thu phát sóng 2G.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm