Sau khu trục hạm, Đức sẽ điều loạt máy bay chiến đấu tập trận ở Thái Bình Dương

Trang Defense News đưa tin Không quân Đức đang chuẩn bị điều máy bay chiến đấu, máy bay chở dầu và máy bay vận tải trên khắp thế giới đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vòng chưa đầy một năm tới.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục đánh giá về cách thức tăng cường sự can dự của khối trong khu vực này.

Đức triển khai không quân đến châu Á -  Thái Bình Dương 

Theo Defense News, Không quân Đức sẽ triển khai sáu máy bay Eurofighter, ba máy bay chở dầu Airbus A330 và ba máy bay vận tải A400M để hỗ trợ cuộc tập trận không quân "Pitch Black" của Úc, dự kiến diễn ra từ ngày 5-9 đến ngày 23-9-2022.

Cuộc tập trận Pitch Black – được tổ chức hai năm một lần – hồi năm 2020 đã bị hủy bỏ.

Sau khu trục hạm, Đức sẽ điều loạt máy bay chiến đấu tập trận ở Thái Bình Dương. Ảnh: KHÔNG QUÂN ĐỨC

Tham mưu trưởng Không quân Đức Ingo Gerhartz cho biết Đức sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo ông Gerhartz, Đức sẽ khởi động với cuộc xuất kích đầu tiên vào mùa thu năm tới, trước khi phát triển một kế hoạch dài hơi hơn.

Trao đổi với Defense News hồi tháng 10 tại căn cứ không quân Neuburg ở bang Bavaria, ông Gerhartz cho biết đây là "đợt triển khai đầu tiên và lớn nhất" của Không quân Đức tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

“Đây là một tín hiệu mạnh mẽ cho các đối tác quan trọng của chúng tôi ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rằng chúng tôi đang đồng hành cùng họ” – vị tham mưu trưởng cho hay.

Trung tâm chính cho hoạt động triển khai của Đức vào năm 2022 sẽ là Úc. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về các căn cứ thực sự vẫn chưa được xác nhận, Không quân Đức cho biết.

Defense News dẫn email trích lời người phát người Không quân Đức cho hay lực lượng này cũng muốn kết hợp Singapore và Nhật vào cuộc tập trận.

Ông Gerhartz dự kiến sẽ gặp một số người đồng cấp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào tháng 11 trong Hội nghị Giám đốc Hàng không Quốc tế Dubai và sẽ lên kế hoạch bổ sung sau đó.

Không quân Đức tiếp nối động thái của Hải quân

Theo Defense News, việc triển khai của Không quân Đức là động thái tiếp nối việc Hải quân nước này hồi tháng 8 khi triển khai tàu khu trục Bayern của tới châu Á – Thái Bình Dương. 

Tàu khu trục Bayern của Đức. Ảnh: HẢI QUÂN ĐỨC

Hiện tại, ông Gerhartz đang tập trung vào việc lên kế hoạch cho cuộc tập trận năm 2022.

Ông Gerhartz cũng không loại trừ khả năng các khí tài của Đức sẽ được đưa trở lại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

“Tôi không thể đoán trước liệu sẽ có sự hiện diện thường xuyên hay không. Tuy nhiên, đối với tôi, nó không thể chỉ là: Một năm chúng tôi ở đó, và sau đó chúng tôi rời đi” – ông Gerhartz cho hay.

Theo Defense News, một chiến lược dài hạn có thể xoay quanh chính phủ liên minh mới của Berlin giữa đảng Dân chủ Xã hội, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do, cũng như cách tiếp cận của giới lãnh đạo Đức đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Nền tảng cho sự can dự của Đức tại châu Á - Thái Bình Dương  

Động thái của Không quân Đức dựa trên một loạt hướng dẫn chính sách đối khu vực do chính phủ Đức công bố hồi tháng 9-2020, theo Defense News.

Người phát ngôn của Không quân Đức cho biết: “Với sự trỗi dậy của châu Á, cán cân chính trị và kinh tế đang ngày càng dịch chuyển sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này đang trở thành chìa khóa để định hình trật tự quốc tế trong thế kỷ 21”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị G20 diễn ra ở Úc năm 2014. Ảnh: AFP  

Khẳng định tại một cuộc họp báo hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Đức cho biết một năm sau khi các hướng dẫn chính sách được công bố, các mục tiêu đang bắt đầu được đáp ứng.

Trong thời gian Đức làm chủ tịch Hội đồng EU, quan hệ châu Á của khối đã được nâng cấp "lên mức đối tác chiến lược vào tháng 12-2020", bản tóm tắt nêu rõ. 

Berlin cũng đã mở rộng các mối quan hệ với Úc và Nhật, đồng thời mở một trung tâm thông tin khu vực của Đức để mở rộng thông tin liên lạc công cộng trong khu vực.

EU đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đầu tiên vào tháng 9.

Từ góc độ an ninh, chiến lược này ghi nhận kế hoạch của liên minh trong việc triển khai cố vấn quân sự cho các phái đoàn EU trong khu vực - hiện tại là Trung Quốc và Indonesia - và thiết lập một mạng lưới ngoại giao không gian mạng của EU. 

Chiến lược nêu bật các vấn đề: an ninh mạng; chống khủng bố; an toàn hạt nhân, không phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học;  thao túng thông tin.

Đây là những thách thức an ninh mà EU muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngoài Đức, Pháp và Hà Lan là những quốc gia châu Âu duy nhất công bố chiến lược đối với khu vực này. 

Paris lần đầu tiên công bố các chiến lược vào năm 2018 và 2019, trong khi Berlin và Amsterdam có động thái tương tự lần lượt vào tháng 9-2020 và tháng 11-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm