Sau mở cửa, doanh nghiệp mong được hỗ trợ

Thời gian qua, Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương đã có nhiều quyết sách, biện pháp để giúp doanh nghiệp (DN) nhanh chóng hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nhiều DN cho biết trong bối cảnh hiện tại họ vẫn gặp nhiều khó khăn nên cần được tháo gỡ bằng những hỗ trợ cụ thể, sát sườn.

Thiếu người lao động, nguyên liệu và vận chuyển tăng

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Quang Minh (sản xuất nước giải khát Bidrico), cho biết thực trạng phục hồi sản xuất của DN đang gặp khó, một trong đó là thiếu người lao động (NLĐ). Việc tiêm vaccine không đồng đều giữa các tỉnh, thành cũng khiến NLĐ gặp khó khi quay lại TP.HCM để làm việc.

Dù Nghị quyết 128 được ban hành với tinh thần mở cửa rất cao nhưng các địa phương vẫn đang rất thận trọng. Theo đó, tùy cấp độ dịch của các tỉnh và trong từng phạm vi nhỏ của địa phương cũng khiến việc lưu thông, phân phối hàng hóa gặp trở ngại.

Công nhân trong một dây chuyền sản xuất nước giải khát.
Ảnh minh họa: TÚ UYÊN

Cũng theo ông Hiến, khó khăn nữa là DN bị đứt gãy nguồn cung do một số nhà cung ứng nguyên vật liệu không còn khả năng hoạt động. Ngoài ra, giá nguyên liệu cũng tăng rất cao. “Trong tuần qua, ngày nào tôi cũng nhận được báo giá các nguyên liệu tăng 15%, có loại tăng hơn 30%. Sức mua thì giảm mạnh” - ông Hiến bày tỏ.

Bà Ong Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc kinh doanh Công ty Nước mắm Thanh Hà, cho biết ngoài việc thiếu NLĐ thì chi phí sản xuất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí xuất khẩu đều tăng rất cao.

Theo đó, trong lĩnh vực sản xuất nước mắm chi phí đánh bắt cá hiện nay tăng cao. Công ty của bà Ngân có một đội tàu đánh cá và theo yêu cầu phòng chống dịch thì trước khi đi biển, 100% ngư dân phải test COVID-19 với phí 250.000-300.000 đồng/người. Trước khi về cập cảng, toàn bộ ngư dân cũng phải test 100% như lúc đi.

Cạnh đó, nguyên liệu bao bì từ quý IV-2020 đến nay tăng tổng cộng 40%-50% và chi phí vận chuyển cũng tăng cao. Chẳng hạn, trước đây vận chuyển nước mắm từ Phú Quốc đến TP.HCM giá 1 triệu đồng/tấn, nay tăng lên 1,2-1,3 triệu đồng/tấn.

“Công ty cũng chịu thiệt đơn thiệt kép vì không thể tăng giá bán trong khi nguyên vật liệu tăng giá, chi phí chống dịch phát sinh. Ngoài ra, để đảm bảo đơn hàng xuất khẩu, công ty phải tăng ca, chi trả lương tăng 30%-50% hoặc gấp đôi nên có những đơn hàng dù lỗ nhưng DN vẫn phải làm” - bà Ngân thông tin.

Kiến nghị giảm thuế ngắn hạn

Ông Nguyễn Đặng Hiến cho rằng để hỗ trợ DN, điều quan trọng là các địa phương cần độ phủ vaccine đồng đều. Việc này sẽ tạo ra sự ổn định về cấp độ dịch bệnh ở các địa phương, từ đó việc lưu thông hàng hóa cũng như việc đi lại của NLĐ được thuận lợi.

Đồng thời, để kích thích cho sản xuất, ông Hiến kiến nghị Nhà nước giảm 50% thuế VAT cho tất cả DN từ tháng 6 đến hết 31-12, sang tháng 2-2022 giảm 30%, sau đó mới thu lại bình thường.

Ông Hiến dẫn chứng: “Ví dụ một sản phẩm 10.000 đồng, cộng VAT, người tiêu dùng mua với giá 11.000 đồng. Nếu VAT giảm 50%, người dân chỉ mua sản phẩm với giá 10.500 đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc, giá cả được giảm cũng phần nào kích cầu tiêu dùng”.

Ông Hiến cũng kiến nghị năm 2021 Nhà nước cần giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả DN, bởi hiện nay DN nào có doanh thu trên 200 tỉ đồng sẽ không được hỗ trợ. “Để duy trì hoạt động, các DN lớn phải bỏ ra chi phí cao và DN lớn cũng sẽ chết theo kiểu lớn” - ông Hiến nhấn mạnh.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng hiện nay không khí phục hồi sản xuất đang rất khẩn trương và tích cực. Tuy nhiên, các DN gặp nhiều khó khăn về thiếu nguyên liệu và chuỗi cung ứng vẫn chưa thông suốt. Chi phí đầu vào rất cao, dòng tiền đứt dãy, vốn của DN cạn kiệt… nên sức phục hồi không thể nhanh được.

Để giúp DN phục hồi sớm trong thời gian tới, hiệp hội kiến nghị TP.HCM cần tháo gỡ thủ tục hành chính; thành lập tổ công tác đặc biệt để có sự phối hợp với hiệp hội tháo gỡ ngay những khó khăn của DN.

Cạnh đó, TP.HCM cần ban hành một số chính sách hỗ trợ giúp giảm chi phí sản xuất cho DN như tạm thời chưa thu phí cảng, hạ tầng cảng biển, giảm tiền điện, nước. Ngoài ra, hiệp hội kiến nghị Chính phủ ban hành gói hỗ trợ cho DN như vay vốn không cần thế chấp tài sản, kéo dài hơn thời gian nộp thuế…

Cách làm hay giúp doanh nghiệp tự vượt khó

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh thủy sản Sài Gòn (APT), cho biết trong thời gian thực hiện nghiêm “ba tại chỗ”, công ty đã chăm lo cho NLĐ, xem họ như người thân. Công ty có chương trình “đưa chợ về công sở - công đoàn đi chợ thay” đáp ứng hàng hóa thiết yếu hằng ngày cho NLĐ; hỗ trợ những túi lương thực an sinh, giúp NLĐ có thêm nguồn chi phí đầu năm học cho con.

Công ty APT còn xây dựng hệ thống thông tin nội bộ nắm bắt tâm tư để kịp thời tư vấn, thăm hỏi, hỗ trợ không chỉ với NLĐ “ba tại chỗ” mà cả NLĐ ở địa phương bị nhiễm COVID-19. Công ty cũng sớm tiếp cận nguồn vaccine nên đến ngày 15-8, gần như 100% NLĐ đã được tiêm đầy đủ vaccine, duy trì được nguồn NLĐ đảm bảo cho sản xuất ổn định.

Bà Ong Thị Kim Ngân thì cho biết nhờ có kế hoạch trữ hàng từ năm ngoái nên khi TP.HCM siết chặt giãn cách, Công ty Nước mắm Thanh Hà vẫn đảm bảo nguyên vật liệu sản xuất. Công ty cũng thực hiện một số giải pháp để đảm bảo sản xuất an toàn và thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để có ngay khuyến cáo đến NLĐ. Công ty cũng có mô hình đi chợ thay NLĐ, nếu khu vực NLĐ ở bị phong tỏa thì còn được gửi thực phẩm về tận nhà.

90% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo gặp khó

Theo Cục Thống kê TP.HCM, kết quả khảo sát về xu hướng sản xuất, kinh doanh quý III của 432 DN hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy có 90,2% DN đang gặp khó khăn; 51% DN dự báo tình hình quý IV khó khăn hơn so với quý III.

Trong quý III có 55,3% DN trả lời nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; 46,6% DN cho rằng thiếu nguyên, nhiên, vật liệu.

Chi phí sản xuất là một trong những nhân tố bị tác động mạnh mẽ nhất do dịch và các biện pháp phòng chống dịch. Theo đó, có 34% DN đánh giá chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm chính quý III tăng so với quý II. Có 27,8% DN dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính quý IV tăng so với quý III.

21% DN cho biết giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm quý III tăng hơn quý II và 19,2% DN dự báo giá bán bình quân trên một đơn vị sản phẩm ở quý IV tăng so với quý III. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm