Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết tại Hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT, sáng 5-7.
Cụ thể, ông Điển cho biết, sáu tháng đầu năm nước ta đã xảy ra 156 vụ cháy rừng, tăng 61 vụ so với cùng kỳ năm 2018. Diện tích rừng bị cháy khoảng 930 ha, tăng 705 ha (hơn bốn lần cùng kỳ năm 2018).
"Thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng từ ngày 26-6 đến ngày 01-7, tập trung trên địa bàn các tỉnh miền Trung, trong đó có 45 vụ cháy gây thiệt hại tới rừng, gồm: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên. Diện tích rừng bị thiệt hại ước tính sơ bộ khoảng 293 ha, có 14 vụ chưa xác định diện tích rừng bị thiệt hại", ông Điển thông tin.
Cháy rừng ở Hà Tĩnh, ngày 30-6-2019. Ảnh: Đắc Lam
Cạnh đó, trong công tác bảo vệ rừng, sáu tháng đầu năm 2019, cả nước đã phát hiện 5.691 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp. Trong đó, đã xảy ra 863 vụ phá rừng với diện tích rừng bị phá 287 ha, giảm 34 ha so với cùng kỳ năm 2018. Đã xử lý hành chính 4.938 vụ, xử lý hình sự 126 vụ.
Về quá trình phát triển rừng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cũng cho biết trong sáu tháng đầu năm 2019 cả nước đã trồng được 108.456 ha, bằng 102% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu lâm sản 5,23 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018.
Sau khi lắng nghe Tổng cục Lâm nghiệp báo cáo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành lâm nghiệp có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Ngoài lợi thế với khoảng 4.500 doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ, Việt Nam cũng đang còn rất nhiều tiềm năng mảng dược liệu, có thể thu về tỉ đô nếu biết quản lý khai thác.
Đây là hướng mà ngành lâm nghiệp cần xác định để chuyển trạng thái để có được bước phát triển bền vững. Đặc biệt, với việc một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới tiến bộ đã được thông qua, vấn đề nguyên liệu và nguồn gốc gỗ hợp pháp là điều tất yếu trong xu thế hội nhập của ngành lâm nghiệp.
Về công tác phòng chống cháy rừng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý trong những tháng cuối năm, công tác phòng chống cháy rừng cần phải tiếp tục quan tâm hơn nữa. Biến đối khí hậu, nắng nóng suốt hơn tháng qua khiến nguy cơ cháy rừng khu vực miền Trung vẫn ở mức nguy cơ rất cao.
"Về lâu dài, phải xây dựng được một khuôn khổ chính sách phù hợp trong phòng chống cháy rừng mang tính bền vững. Tổng rà soát công tác quản lý để tránh trục lợi chính sách. Cần phải xây dựng các đề án bảo vệ và phát triển rừng cho từng khu vực”, ông Cường yêu cầu.