Saudi Arabia nói 'không chịu bất kỳ trách nhiệm nào' nếu giá dầu tăng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 21-3, Saudi Arabia cho biết họ "không chịu bất kỳ trách nhiệm nào" về sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công dữ dội của phiến quân Houthi ở Yemen đã làm ảnh hưởng đến sản lượng dầu tại vương quốc này, theo hãng tin AP.

Cụ thể, cơ quan Báo chí Nhà nước Saudi Arabia dẫn lời Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố "họ sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm nào đối với bất kỳ sự thiếu hụt nguồn cung dầu nào cho thị trường toàn cầu sau các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu".

"Cộng đồng quốc tế phải đảm nhận trách nhiệm bảo tồn nguồn cung cấp năng lượng nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công gây nguy hiểm nhằm vào năng lực sản xuất của vương quốc và khả năng thực hiện các cam kết của mình" - theo tuyên bố.

Theo Bộ Năng lượng Saudi Arabia, Houthi đã nhắm mục tiêu vào một nhà máy khí đốt tự nhiên và nhà máy lọc dầu Yasref ở cảng Yanbu.

 Saudi Arabia nói nước này sẽ "không chịu bất kỳ trách nhiệm nào" về sự thiếu hụt nguồn cung dầu toàn cầu. Ảnh: AP

Con số thiệt hại chính xác sau đợt tấn công vẫn chưa được thống kê. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng Saudi Arabia thừa nhận sản lượng dầu ở Yanbu sẽ tạm thời giảm khoảng 400.000 thùng/ngày.

Tuyên bố nói trên đánh dấu sự thay đổi rõ rệt so với các phát ngôn thận trọng thường thấy của nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Các quan chức Saudi Arabia nhận thức được rằng ngay cả những bình luận nhỏ nhất của họ cũng có thể làm thay đổi giá dầu và làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Hiện Saudi Arabia vẫn đang bế tắc và chưa thể đạt được một thỏa thuận hạn chế việc tăng sản lượng với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu khác.

Các nước sản xuất dầu vùng Vịnh cho đến nay vẫn không chấp nhận lời kêu gọi bơm thêm dầu thô do Mỹ đưa ra nhằm bình ổn giá dầu trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Giá xăng dầu đã đạt mức cao kỷ lục trên thế giới. Theo Hiệp hội ô tô Mỹ (AAA), giá xăng ở nước này đạt mức cao nhất 4,25 USD/gallon (3.78 lít) vào ngày 21-3, sát mốc kỷ lục 4,33 USD hồi đầu tháng.

Giá dầu thô Brent tiêu chuẩn quốc tế dao động trên 112 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 21-3, tăng hơn 4% so với phiên trước đó. Giá dầu vẫn ở dưới mức đỉnh gần 140 USD đạt được hồi đầu tháng, nhưng vẫn cao hơn khoảng 15 USD/thùng so với trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Các cuộc tấn công của phiến quân vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia đã đánh dấu sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến nổ ra vào năm 2014, sau khi lực lượng Houthis do Iran hậu thuẫn chiếm giữ thủ đô Sanaa và phần lớn miền bắc của đất nước. Saudi Arabia và các đồng minh đã đáp trả bằng một chiến dịch không kích nhằm đánh bật người Houthis và khôi phục lại chính quyền.

Bảy năm sau, cuộc xung đột đã trở thành một bế tắc đẫm máu và gây ra thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới.

Sau các cuộc tấn công hôm 21-3, một quan chức chính quyền cấp cao xác nhận Mỹ đã chuyển giao một số lượng đáng kể tên lửa đánh chặn Patriot để giúp Saudi Arabia ngăn chặn các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Houthi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm