SCO và cơ hội lập trật tự mới phi phương Tây

(PLO)- SCO sẽ phải xử lý triệt để vấn đề xung đột nội bộ nếu muốn tận dụng tốt cơ hội phát triển hơn nữa và trở thành một tổ chức hợp tác toàn diện phi ý thức hệ, thay thế kiểu hợp tác liên minh của phương Tây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra trực tuyến tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ) ngày 4-7, với sự tham dự của lãnh đạo các nước thành viên (Ấn Độ, Kazakhstan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Nga, Tajikistan, Pakistan, Uzbekistan và thành viên mới nhất là Iran).

SCO ngày càng chứng tỏ sức hút

Với chín thành viên ở thời điểm hiện tại, chiếm 44% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu, SCO được đánh giá đang gia tăng mạnh ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Tại kỳ hội nghị vừa rồi, bên cạnh chính thức kết nạp Iran, SCO cũng khởi động thủ tục gia nhập cho Belarus, thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar, đưa vào diện xem xét với các nước Bahrain, Maldives, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Myanmar. Đây là đợt mở rộng lớn nhất của SCO và cũng là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vai trò của phương Tây trên thế giới đang bị thu hẹp.

Lãnh đạo các nước thành viên SCO tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 dưới hình thức trực tuyến ngày 4-7. Ảnh: SPUTNIK

Lãnh đạo các nước thành viên SCO tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 dưới hình thức trực tuyến ngày 4-7. Ảnh: SPUTNIK

Nội dung tuyên bố chung SCO kỳ hội nghị ngày 4-7 cũng có nhiều điểm đáng chú ý. SCO cam kết xây dựng một trật tự thế giới mới “đa dạng, công bằng, dân chủ và đa cực hơn” dựa trên luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, đa dạng văn hóa - văn minh, hợp tác an ninh toàn diện, các bên cùng có lợi, với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm điều phối. SCO phản đối các chính sách giải quyết vấn đề phát triển quốc tế và khu vực theo hướng cục bộ, chính trị hóa và đối đầu, lên án các hành vi can thiệp vào việc nội bộ của nước khác với lý do chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan.

Trong bài viết trên tờ South China Morning Post, chuyên gia Châu Bạc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị quốc tế và chiến lược, ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc), nhận định SCO đang ngày càng chứng tỏ khả năng có thể dẫn đầu một hệ thống mới không cần sự lãnh đạo của phương Tây, tuy vẫn còn không ít thách thức phía trước.

Kỳ thượng đỉnh lần này đánh dấu lần đầu tiên ông Putin tham gia một diễn đàn quốc tế kể từ vụ nổi loạn của lính đánh thuê từ Công ty quân sự tư nhân Wagner hồi tháng trước. Ông Putin cam kết tăng cường quan hệ với các nước thành viên SCO và tiếp tục chống lại mọi đòn trừng phạt, khiêu khích từ phương Tây, theo hãng tin Reuters.

Không ít thách thức

Chuyên gia Châu Bạc đánh giá SCO cởi mở, bao trùm và nổi bật là không phân biệt ý thức hệ. Tuy nhiên, để tổ chức này có thể phát triển bền vững, các thành viên phải tập trung hợp tác cùng hưởng lợi giữa SCO và với các nước khác ngoài SCO, chứ không phải biến SCO thành tổ chức chống phương Tây. Ông Châu cho biết đã xuất hiện nhiều ý kiến lo ngại về vấn đề này và tiếp tục gia tăng vào thời điểm xung đột Nga - Ukraine bùng phát.

“Để đạt được điều này, sự phối hợp lãnh đạo giữa Trung Quốc và Nga là rất quan trọng. Cả Bắc Kinh và Moscow đều nói về một thế giới đa cực nhưng thế giới quan của hai nước không hoàn toàn giống nhau. Bắc Kinh là bên hưởng lợi từ ​​quá trình toàn cầu hóa vốn phụ thuộc vào trật tự quốc tế hiện có nhưng Moscow phản đối trật tự đó và coi mình là nạn nhân bị phương Tây chèn ép” - ông Châu nhận định.

Khi mối quan hệ với Mỹ ngày càng xấu đi, Trung Quốc ít nhất vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tương đối hữu hảo với châu Âu - nơi coi Bắc Kinh vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh và là thách thức chính trị. Một mối quan hệ như vậy giữa châu Âu và Nga lúc này gần như không thể xảy ra.

Tuy nhiên, ông Châu Bạc đánh giá chừng nào SCO không trở thành một liên minh chính thức với giá trị thống nhất và chung một đối thủ như liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của phương Tây thì những khác biệt như trên sẽ không ảnh hưởng quá tiêu cực. Đây cũng là lý do tại sao Ấn Độ, một thành viên SCO thân phương Tây, vẫn giữ được tiếng nói trong tổ chức.

Thay vào đó, thách thức thực sự hiện nay của SCO là ngăn chặn xung đột giữa các quốc gia thành viên. Ấn Độ và Pakistan, hai quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ, hoàn toàn có thể rơi vào xung đột vũ trang bất kỳ lúc nào. Ấn Độ và Trung Quốc cũng thường xuyên có những cuộc xung đột giữa binh sĩ biên giới hai nước, đỉnh điểm là vụ giao tranh ở thung lũng Galwan năm 2020 khiến hàng chục binh sĩ thương vong. Năm 2022, Tajikistan và Kyrgyzstan cũng đã trải qua xung đột bạo lực về tranh chấp lãnh thổ biên giới, tương tự đối với Armenia và Azerbaijan.

“Trong một thế giới bị chia rẽ, SCO đang chứng tỏ sự khác biệt so với các liên minh do phương Tây lãnh đạo. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn phía trước là phải chứng minh một thế giới với ít sự can thiệp của phương Tây sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn” - ông Châu Bạc kết luận.•

Ấn Độ tiếp tục từ chối tham gia Vành đai - con đường

Theo tờ India Today, Ấn Độ vẫn tiếp tục từ chối tham gia vào sáng kiến Vành đai - con đường (BRI) của Trung Quốc và là thành viên duy nhất của SCO có lập trường này. Điều này từng xảy ra ở kỳ thượng đỉnh năm ngoái, khi Ấn Độ cũng là nước duy nhất không ủng hộ BRI.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lý giải rằng nước này không ủng hộ các chủ trương ảnh hưởng tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Ở đây, Ấn Độ cho rằng hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan được thiết lập trong khuôn khổ BRI bao gồm cả phần lãnh thổ Kashmir đang tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan.

“Lợi ích của việc kết nối kinh tế là không bàn cãi nhưng vẫn cần đi cùng với các nỗ lực thúc đẩy lòng tin lẫn nhau. Ngoài ra, điều cần thiết là phải duy trì các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương SCO, đặc biệt là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước thành viên” - ông Modi khẳng định.

Ấn Độ năm nay cũng không ủng hộ chiến lược Phát triển kinh tế SCO đến năm 2030. Lý do không được công bố chính thức, song một nguồn tin nội bộ cho biết Ấn Độ cảm thấy chiến lược sử dụng “quá nhiều định nghĩa chính sách và ngôn ngữ ngoại giao của Trung Quốc”.

Hiện nội dung của chiến lược này chưa được công bố cụ thể. Tuy nhiên, một thông cáo báo chí của Ban thư ký SCO hồi năm ngoái tuyên bố rằng “chiến lược sẽ đề cập tới những điểm chính trong đầu tư kinh tế, tài chính, thương mại và các hình thức hợp tác kinh tế khác của SCO”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm