Chỉ với một cái nhấp chuột hay bấm nhẹ chiếc smartphone thì bao nhiêu tin tức tràn ngập. Từ những vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đặc biệt các tin tức liên quan đến những người nổi tiếng - nhất là giới showbiz - lập tức sẽ có hàng trăm, hàng ngàn phản hồi “bình loạn” của các “còm sĩ”. Ý kiến sẻ chia, góp ý xây dựng thì ít mà những soi mói, bới móc và bình phẩm cay độc dành cho đối tượng thì nhiều.
Sẻ chia, góp ý xây dựng
Từ khi có sự xuất hiện của smartphone - phương tiện truy cập Internet nhanh nhạy nhất, tiện lợi nhất thì nhất cử nhất động của các nhân vật nổi tiếng trong giới showbiz không thể thoát khỏi tầm ngắm của các “còm sĩ”. Không chỉ ở các quán cà phê, nơi mọi người hình như đến đây không phải uống cà phê mà là chỗ tha hồ cắm đầu, cắm cổ vào màn hình điện thoại, tay bấm lia lịa với đủ thứ từ ngữ không cần chọn lọc.
Ở những sân trường hay giảng đường đại học có đỡ hơn khi từng nhóm, từng nhóm tụ tập không chỉ để trao đổi bài vở mà còn để tranh luận về một số vụ lùm xùm, đình đám nào đó của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu... Hôm nọ tôi có hẹn với một giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM ở quán cà phê gần trường để trao đổi về một bản dịch văn học của anh. Trong lúc ngồi chờ anh bạn giảng viên, tôi tình cờ nghe được cuộc tranh luận nảy lửa giữa các sinh viên KHXH&NV TP.HCM với mấy sinh viên ĐH Dược TP.HCM tại quán. Hai trường cách nhau mấy trăm mét. Thì ra cuộc tranh luận chủ yếu do phe ĐH KHXH&NV là fan một nam ca sĩ gốc Hà Nội và phe trường Dược ủng hộ một nhạc sĩ gốc Nam Bộ. Do vị giám khảo là ca sĩ nổi tiếng này đã tranh cãi gay gắt, to tiếng, thậm chí chê bai bài hát do vị giám khảo, nhạc sĩ kia sáng tác. Chuyện xảy ra trong một chương trình thi thố ca nhạc phát trực tiếp trên truyền hình trước sự chứng kiến của hàng triệu khán thính giả, rất phản cảm. Cả hai “phe” sinh viên vốn trước đó đã lên mạng bày tỏ quan điểm của “phe mình” một cách ôn hòa, có văn hóa, bây giờ tình cờ gặp nhau trong quán cà phê thì lại tiếp tục tranh luận. Tôi buột miệng quay sang góp ý: “Các em đều đúng cả bởi mỗi người có quyền yêu thích hay không, thậm chí ghét không thèm nghe một ca sĩ nào đó nhưng các em chỉ nên góp ý với nhau và cả với ca sĩ, nhạc sĩ mình yêu thích chứ không nên chê bai, khích bác nhau”.
Hình như lời góp ý của tôi, các bạn trẻ nghe thấm nên họ vui vẻ hẳn lên.
Những “còm sĩ” chuyên soi mói, bới móc đời tư để ném đá!
Sau cuộc tiếp xúc với mấy bạn sinh viên ở quán về, tôi tò mò lên mạng truy cập sự kiện nói trên. Cả một sự việc khác cũng đang nóng trên mạng là cuộc thi tìm kiếm người mẫu gì đó. Tôi thật sự bất ngờ khi đọc hàng trăm câu bình phẩm nặng nề, tục tĩu, vô văn hóa dành cho cô hoa hậu là huấn luyện viên đã có cách hành xử không hay với đối thủ và cả học trò của cô hoa khôi, đến nỗi cô huấn luyện viên này phải khóc rấm rứt. Họ bới móc những thông tin từ thuở nào liên quan tới người họ ném đá. Tôi thấy kinh khủng quá khi thấy “gạch đá ném tới tấp” về cô này. Mặc dù tôi cũng không ưa gì cô ta nhưng không thể tưởng tượng ra họ có thể dùng những từ ngữ kinh khủng thế.
Tôi gọi điện thoại rủ một người bạn thân ra quán bia làm vài ly cho “đỡ sầu đời”. Nhưng tôi nhầm bởi ở quán bia còn kinh hãi hơn. Mấy cậu tóc vàng, tóc đỏ ngồi gác chân lên ghế, tay bấm điện thoại liên tục, lâu lâu lại ngước lên hớp ngụm bia, quay qua cậu bạn ngồi kế chửi thề một câu trước khi nói: “Còn cái con ca sĩ L., cái mặt đỏng đảnh, kênh kiệu, hát thì õng ẹo làm bộ làm dáng".
Tôi vội thanh toán tiền bia, kéo ông bạn đi quán khác. Vì ông bạn tôi vốn là nhà giáo nên đỏ mặt, lắc đầu, tặc lưỡi ngao ngán: Hỏng bét. Cái văn hóa mạng nó tiêm nhiễm bọn trẻ ăn nói văng mạng, ghê thật!