Sẽ có gói giải pháp giúp ổn định thị trường xăng dầu

(PLO)- Việt Nam chỉ nhập khẩu 20% xăng dầu nhưng lại để nhiều cây xăng tại Hà Nội và TP.HCM đóng cửa là vấn đề cần nghiên cứu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-10, tiếp tục phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp về tình trạng nhiều cây xăng đóng cửa.

“Vấn đề xăng dầu “thiếu thật” hay “thiếu giả”, cần phải nghiêm túc thảo luận, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài…” - ĐB Tạ Thị Yên, Phó Trưởng ban Công tác ĐB, nói.

Trong khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (trái) lý giải nguyên nhân các cửa hàng tạm nghỉ vì thiếu xăng dầu thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị chuyển luôn giá xăng dầu cho Bộ Công Thương quyết. Ảnh: Đ.MINH

Trong khi Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (trái) lý giải nguyên nhân các cửa hàng tạm nghỉ vì thiếu xăng dầu thì Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị chuyển luôn giá xăng dầu cho Bộ Công Thương quyết. Ảnh: Đ.MINH

Xăng dầu tác động hầu hết nền kinh tế

Theo ĐB Yên, Việt Nam có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70%-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Vậy mà thời gian qua đã để xảy ra hiện tượng “hết xăng” tại một loạt cây xăng ở Hà Nội, TP.HCM.

Xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng dầu có tác động tới hầu hết ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Nên giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất, kinh doanh sẽ phát triển, sẽ có tăng trưởng kinh tế và Nhà nước sẽ lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.

“Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan…” - nữ ĐB nêu quan điểm.

Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo, hướng dẫn DN đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại để kịp thời chi viện cho các địa bàn thiếu xăng dầu.

Khẳng định tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa ảnh hưởng đến đời sống của người dân, ĐB Trần Thị Thanh Hương (tỉnh An Giang) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường phân cấp, phân quyền. Song song đó, chủ động nắm bắt và ứng phó kịp thời hơn với những diễn biến mới của tình hình để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả hàng hóa, vấn đề cung cầu, nhất là đối với mặt hàng xăng dầu…

Cấp hạn mức 103.000 tỉ đồng cho xăng dầu

Trong điều hành Nghị định 95 rất quan tâm đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong đó có kinh doanh xăng dầu. Vừa qua Bộ Công Thương có văn bản, chúng tôi tổng hợp nhanh số liệu các ngân hàng thì tổng hạn mức cấp cho 16 DN xăng dầu là 103.000 tỉ đồng và mới sử dụng đến khoảng 58.000 tỉ đồng, hạn mức chưa sử dụng còn 44.000 tỉ đồng chứ chưa phải là đã hết.

Ngân hàng Nhà nước cũng đảm bảo ổn định sản xuất trong nước, can thiệp ngoại tệ. Riêng chín tháng đầu năm đối với một số DN xăng dầu như Nghi Sơn, tập đoàn xăng dầu, Bình Sơn thì lượng ngoại tệ bán ra khoảng 10 tỉ USD cho các DN này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước NGUYỄN THỊ HỒNG

Để thiếu xăng “là điều đáng tiếc”

Nhằm làm rõ những băn khoăn của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định ý kiến của các ĐB là rất đúng khi cho rằng xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn với mọi quốc gia, nền kinh tế.

Theo ông Diên, quy định hiện hành giao bảy bộ, ngành và 63 địa phương quản lý cung ứng kinh doanh xăng dầu. Để làm tốt công tác này cần phối hợp tốt từ cấp trung ương đến địa phương, nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới, trong nước “dị biệt” như vừa qua.

Để doanh nghiệp (DN) xăng dầu tồn tại, cưu mang được hệ thống đại lý, bán lẻ thì công thức giá cơ sở xăng dầu cần được cơ quan chức năng hướng dẫn, cập nhật, phản ánh đầy đủ, kịp thời chi phí định mức, chi phí tạo nguồn và các chi phí phát sinh khác… Từ đó giúp DN trong lúc khó khăn nếu không có lãi thì không bị lỗ, không để đứt gãy hệ thống phân phối.

“Để có xăng dầu tới tay người tiêu dùng thuận lợi không chỉ cần sự vận hành thông suốt của 34 DN đầu mối, 332 DN phân phối thuộc trách nhiệm quản lý của ngành công thương mà cần có vai trò quyết định của 17.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ do chính quyền tỉnh, thành cấp phép, quản lý…” - ông Diên khẳng định.

Với yêu cầu trên, ông Diên cho biết vừa qua Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực cố gắng trong chủ trương, điều hành thông qua thuế, phí, Quỹ bình ổn và chính sách xã hội. Thị trường xăng dầu cơ bản ổn định, tổng nguồn không thiếu, giá cả hợp lý, “luôn ở nhóm nước có mức giá bán lẻ thấp của khu vực, thế giới”.

Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ ở một số tỉnh, thành phía Nam, nhất là TP.HCM, ông Diên nhận diện “đây là điều rất đáng tiếc, bất thường”.

Đặc biệt, tại thời điểm đầu tháng 10, cả nước còn 3 triệu m3 xăng dầu gồm: Nguồn từ hai nhà máy lọc dầu, dự trữ thương mại, lượng nhập khẩu trong kỳ của 34 DN đầu mối thì đủ nguồn cung trong nước tới hết tháng 11. Đó là chưa kể các nhà máy sản xuất, nhập khẩu tiếp theo kế hoạch.

Đề nghị giao luôn giá xăng dầu cho Bộ Công Thương quyết

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhu cầu xăng dầu cả nước là 19,2 triệu tấn/năm. Hiện có hai nhà máy sản xuất lọc dầu là Bình Sơn 6,2 triệu tấn, chín tháng đạt 4,4 triệu tấn, đạt 70% kế hoạch; Nghi Sơn là 6,8 triệu tấn, tức mới đạt 43%, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung.

Theo kế hoạch, phải nhập khẩu 6,2 triệu tấn xăng dầu, phân bổ 34 đầu mối. Nhưng chín tháng qua chỉ nhập được 3,97 triệu tấn, tức là không đạt kế hoạch. Quý III nhập khẩu giảm 40% so với tháng trước với xăng và 35% là dầu, chỉ có 19/33 DN nhập nên ta thiếu hụt nguồn cung.

Các loại thuế môi trường, nhập khẩu đối với xăng dầu đều giảm. Chi phí xăng dầu, Bộ Tài chính có văn bản xin ý kiến của DN đầu mối và ý kiến của Bộ Công Thương xem có nâng chi phí định mức hay không. Nhưng hiện nay chỉ nhận được sáu văn bản của sáu thương nhân đầu mối (chiếm 8,5% sản lượng xăng dầu), ý kiến của Bộ Công Thương chưa nhận được.

Sắp tới chúng tôi đề nghị sửa Nghị định 95, giao toàn diện phần xăng dầu về cho Bộ Công Thương, gồm quyết định về giá và chi phí định mức, đảm bảo nguồn cung chủ động; tăng cường chủ động phối hợp trong nguồn cung giữa đầu mối, phân phối và bán lẻ, chủ động điều chỉnh chi phí định mức và giải quyết khó khăn, đảm bảo nguồn cung xăng dầu tốt nhất.

Sẽ xử lý các cây xăng vi phạm

Đi vào phân tích nguyên nhân, người đứng đầu ngành công thương cho rằng ngoài nguyên nhân thị trường thế giới đứt gãy nguồn cung và giá dao động biên độ lớn, còn có nguyên nhân chủ quan là DN kinh doanh xăng dầu khó tiếp cận vốn, bảo lãnh tín dụng ngân hàng, điều kiện vay khó khăn, tỉ giá ngoại tệ thay đổi liên tục…

Ông cho hay DN bán lẻ xăng dầu chịu nhiều chi phí phát sinh, nhiều định mức lỗi thời nhưng chưa được cập nhật, phản ánh trong giá xăng dầu. Cơ chế thị trường thì theo quy luật cung cầu, quy luật giá trị và mục tiêu lợi nhuận quyết định hành động của DN.

Cạnh đó, DN đầu mối, thương nhân phân phối đã không thể lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý, cửa hàng bán lẻ nên tạo ra đứt gãy nhất thời cục bộ ở khâu bán lẻ một số nơi…

TP.HCM và một số tỉnh phía Nam có khoảng 146/332 thương nhân phân phối, chiếm 44% cả nước. Qua khảo sát, nhiều thương nhân phân phối ký hợp đồng mua hàng của nhiều DN đầu mối nhưng không mua hàng thường xuyên nên DN đầu mối không chủ động được hàng trong kỳ. Khi thiếu hàng, các thương nhân phân phối quay lại mua hàng, đương nhiên không còn cơ hội nên đứt gãy một số nơi.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn DN đầu mối, thương nhân phân phối chia sẻ nguồn cung trong dự trữ thương mại để kịp thời chi viện cho các địa bàn; phân giao chỉ tiêu bổ sung sản xuất, nhập khẩu cho các DN.

Ngành công thương cũng sẽ tăng kiểm tra, giám sát toàn hệ thống kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý vi phạm, kể cả rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn DN vi phạm nhiều lần.

Ngành sẽ cùng Ngân hàng Nhà nước kịp thời tiếp cận nguồn vốn, bảo lãnh tín dụng, là điều kiện tiên quyết để DN xăng dầu tồn tại. Vì hiện DN đang cần nới trần vay, ưu đãi lãi suất, hỗ trợ điều kiện thanh khoản để duy trì hoạt động.

Một giải pháp nữa cũng được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhắc đến là cùng cơ quan chức năng sử dụng công cụ thuế, phí, Quỹ bình ổn và chính sách an sinh khi cần thiết điều hành giá bán lẻ xăng dầu phù hợp với biến động giá thế giới. “Mục đích để DN không lỗ hoặc lỗ ở mức chấp nhận được…” - ông Diên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm