Sẽ có quy định quản lý với dịch vụ OTT viễn thông

(PLO)- Dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ OTT theo nguyên tắc phân loại dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-4, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu với dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp chuyên đề. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp chuyên đề. Ảnh: QH

Một trong những điểm mới đáng chú ý là dự thảo bổ sung quy định quản lý dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (dịch vụ OTT viễn thông) theo nguyên tắc “tạo thuận lợi cho phát triển nhưng có quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, an toàn, an ninh”.

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết OTT viễn thông (các dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của người sử dụng cũng như an toàn, an ninh thông tin.

Do vậy, dự thảo luật đưa ra các quy định quản lý dịch vụ OTT theo nguyên tắc phân loại dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng và quản lý theo khung pháp luật chung về viễn thông.

Đồng thời quản lý bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Dự thảo luật không khống chế tỉ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ OTT để phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam hiện nay.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh và bảo vệ dữ liệu của người sử dụng.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội cho rằng dịch vụ OTT, về bản chất là dịch vụ sử dụng mạng viễn thông để cung cấp các ứng dụng công nghệ thông tin như Zalo, Viber, Telegram…

Dịch vụ này hoạt động trên nền tảng Internet mở; người dùng dịch vụ có thể tự do sử dụng đồng thời nhiều ứng dụng hoặc tùy ý thay đổi nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mà không cần sự đồng ý của nhà cung cấp dịch vụ, không mất bất kỳ chi phí nào. OTT cũng có chức năng hội thoại, họp trực tuyến, trao đổi trực tuyến (chat), tin nhắn… và không thu phí.

“Các đặc điểm này dẫn đến việc sử dụng dịch vụ OTT phát triển rất nhanh, ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các dịch vụ tin nhắn và thoại truyền thống của các doanh nghiệp viễn thông ở nhiều quốc gia bao gồm cả thị trường Việt Nam” - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy nói và cho biết cơ quan thẩm tra nhất trí dịch vụ OTT cần phải được quản lý theo cách thức phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cần nghiên cứu chỉnh lý các quy định liên quan để bảo đảm chặt chẽ, khả thi và phù hợp.

“Đề nghị cân nhắc, chỉ nên luật hóa những nội dung đã được đồng thuận, đối với những nội dung chưa có sự thống nhất chỉ nên quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc trong dự thảo luật và sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính linh hoạt trong thực tế” - ông Huy nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm