Sẽ khởi tố vụ lật xe bồn gây cháy lớn ở Bình Phước

Ngày 23-11, Công an tỉnh Bình Phước tiếp tục thu thập hồ sơ, chứng cứ vụ tai nạn giao thông lật xe bồn dẫn tới hỏa hoạn khiến sáu người chết, 19 căn nhà bị cháy, đồng thời sẽ xem xét khởi tố vụ án để làm rõ vụ tai nạn rất nghiêm trọng này. 

Như thông tin đã đưa, rạng sáng 22-11, xe bồn do tài xế Thạch Vân lưu thông đến xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước thì va chạm với xe ba gác chở đá đi phía trước. Va chạm khiến xe bồn mất lái, lao qua dải phân cách và đâm vào trụ điện rồi lật ngang. 14.000 lít xăng dầu trên xe bồn chảy tràn ra quốc lộ 13 gây ra hỏa hoạn kinh hoàng khiến 19 căn nhà bị cháy, sáu người chết. Tài xế xe bồn bị bỏng 37%, đang điều trị ở BV Chợ Rẫy (TP.HCM); tài xế xe ba gác chở đá bị thương nhẹ.

Hiện trường sau vụ cháy. Ảnh: SĐ

Sau tai nạn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trích xuất dữ liệu các thiết bị giám sát hành trình. Bước đầu nhận thấy vào thời điểm xảy ra tai nạn, xe bồn chạy với vận tốc trên 90 km/giờ trong khi tuyến đường này chỉ cho phép lưu thông với vận tốc tối đa 60 km/giờ…

Cũng trong ngày 23-11, theo ghi nhận của chúng tôi, người dân ở các căn nhà bị cháy đã trở lại dọn dẹp, cùng với cơ quan chức năng khắc phục sự cố. Do vụ cháy gây thiệt hại lớn nên việc khắc phục còn phải mất nhiều thời gian.

Được biết 19 căn nhà, kiốt bị cháy đều có người ở nhưng số người tử vong chỉ tập trung ở hai căn (một căn bốn người chết, một căn hai người chết), các căn còn lại mọi người thoát được nhờ có cửa phụ hoặc phá được tường.

Về vấn đề hành lang an toàn đường bộ, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho rằng đã có các quy định rất rõ ràng, đầy đủ trong Luật Giao thông đường bộ và các nghị định liên quan. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều tuyến đường người dân xây nhà sát mặt đường và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi có sự cố giao thông.

Điều 15 Nghị định số 11/2010 về quy định đối với đường ngoài đô thị: Căn cứ cấp kỹ thuật của đường theo quy hoạch, phạm vi hành lang an toàn của đường có bề rộng tính từ đất của đường bộ trở ra hai bên là: 47 m đối với đường cao tốc; 17 m đối với đường cấp I, cấp II; 13 m đối với đường cấp III; 9 m đối với đường cấp IV, cấp V; 4 m đối với đường có cấp thấp hơn cấp V.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Lăng, trong xây dựng hạ tầng, khi giải phóng mặt bằng nếu có tiền cần bồi thường luôn hành lang an toàn đường bộ hoặc chuyển đất thổ cư sang thổ canh. Đặc biệt, các địa phương không để người dân lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, tuyên truyền người dân không “bám” mặt đường. “Trên thế giới hiện không có nước nào dân “tràn” ra sát đường làm nhà như Việt Nam” - ông Lăng thông tin.

VIẾT LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm