Ngày 20-6, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì cuộc họp báo cung cấp thông tin định kỳ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: THANH TUẤN |
Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Phạm Thị Thanh Trà cho hay năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn. Đáng chú ý, Bộ đã tham mưu rất nhiều thể chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực của ngành, nổi bật là các lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế; công chức, viên chức; chính quyền địa phương; cải cách hành chính; đặc biệt là phân cấp thẩm quyền.
Chẳng hạn, đầu năm 2022, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyêt số 04 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng về việc phân cấp, phân quyền.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, Bộ cũng rất mạnh dạn, quyết tâm đổi mới và đi đầu trong vấn đề thực hiện phân cấp, phân quyền, nhất là trong quản lý đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của hệ thống hành chính nhà nước.
Dẫn chứng, bà Trà cho hay Bộ Nội vụ đã phân cấp triệt để đối với việc thăng hạng cho công chức, viên chức. Theo đó, hiện Bộ chỉ tổ chức thi thăng hạng đối với chuyên viên cao cấp, còn lại phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương.
Đặc biệt, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin Bộ Nội vụ đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế đề xuất việc phân cấp triệt để trong quản lý biên chế. Ban Chỉ đạo hiện đã báo cáo Bộ Chính trị về việc này.
“Hiện chưa có kết luận chính thức nhưng chủ trương chung là sẽ phân cấp, giao biên chế về công chức, viên chức cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy các địa phương trực tiếp quản lý, để đảm bảo quản lý một cách đồng bộ giữa biên chế của khối Đảng, đoàn thể cũng như khối hành chính nhà nước”- bà Trà cho hay.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, Bộ Nội vụ hàng năm sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giao biên chế công chức cho các bộ, ngành địa phương. Số lượng viên chức của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ sẽ thẩm định.
Theo Bộ trưởng Nội vụ, biên chế sẽ được giao tổng thể cho cả giai đoạn 2022-2026 và mục tiêu đặt ra là giảm tối thiểu khoảng 5% biên chế công chức; giảm số người, số biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 10% theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, 19.
“Đây là điểm rất mới, tuy nhiên bước đầu sẽ có những khó khăn, vướng mắc”- bà Trà nói và khẳng định Bộ Nội vụ sẽ cố gắng tham mưu để hoàn thiện về thể chế, đảm bảo phân cấp triệt để theo đúng tinh thần, chủ trương của Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng là phân cấp, phân quyền trên tất cả các lĩnh vực.
“Để quyết liệt, quyết tâm thực hiện việc này sẽ cần sửa khoảng 32 luật, 34 Nghị định, 14 thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ”- bà Trà cho hay.
Nghiên cứu xây dựng một nền công vụ chung
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết Bộ Nội vụ đang tiến hành đánh giá tác động về đội ngũ cán bộ công chức cấp xã để làm cơ sở cho việc nghiên cứu xây dựng một nền công vụ chung, liên thông giữa đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã với cấp huyện trở lên.
“Mục đích để làm sao chúng ta chỉ xây dựng một nền công vụ thôi, không như hiện nay là hai chế độ công vụ: một chế độ công vụ từ cấp huyện trở lên và một chế độ công vụ cấp xã”- bà Trà nói.
Sau khi đánh giá tác động, Bộ sẽ nghiên cứu thật kỹ vấn đề này, có thể đề xuất thực hiện theo lộ trình, để nâng dần chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng được cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới này.