“Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm việc với hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, sắp tới tiếp tục làm việc với Quảng Bình, Hà Tĩnh để xây dựng đề án dạy nghề, tạo việc làm cho ngư dân bị ảnh hưởng để trình Chính phủ”. Ngày 5-7, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thông tin.
. Phóng viên: Nội dung cụ thể của đề án này là gì, thưa ông?
+ Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp: Về xuất khẩu lao động, hiện Bộ đang triển khai một số chương trình chi phí thấp như đi Hàn Quốc với 3.500 chỉ tiêu; đi Nhật do tổ chức IM Japan hỗ trợ chi phí; đưa điều dưỡng viên đi Nhật và Đức. Cả bốn chương trình trên đều ưu tiên cho người dân các địa phương bị ảnh hưởng.
Với các chương trình do doanh nghiệp triển khai, Bộ yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín. Năm nay có 600 chỉ tiêu đi Hàn Quốc được phân bổ cho tám doanh nghiệp và Bộ sẽ yêu cầu các doanh nghiệp tập trung hỗ trợ bốn tỉnh miền Trung.
Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu giải pháp hỗ trợ việc làm, bảo đảm đời sống cho ngư dân bốn tỉnh miền Trung. Ảnh: VẠN AN
Về mặt chính sách, chúng tôi cũng sẽ trình Chính phủ cho phép các lao động thuộc hộ nghèo được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại trong thời gian đào tạo…
. Ông có thể nói rõ hơn về chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp?
+ Ngoài việc giới thiệu xuất khẩu lao động, Bộ không hề mong muốn phải chuyển đổi toàn bộ số lao động bị ảnh hưởng sang nghề khác. Người dân vùng biển phải sống được nhờ biển, mưu sinh từ biển. Có thể trước mắt Bộ sẽ cùng các địa phương giới thiệu người dân làm công việc tương tự tại vùng biển khác, sau đó sẽ quay lại nơi cũ.
Đối với những người có nhu cầu chuyển đổi nghề, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương nghiên cứu giải pháp. Chẳng hạn có thể đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho người lao động chưa có trình độ, tay nghề tại bốn tỉnh. Thậm chí cần tính tới cả những cơ chế hỗ trợ BHYT, BHXH cho doanh nghiệp.
Trong cuộc làm việc ngày 4-7 với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, chúng tôi thấy có hai nhóm giải pháp cần triển khai. Thứ nhất, việc chuyển đổi số ngư dân đang đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ thì việc đào tạo như thế nào, cho vay vốn bao nhiêu sẽ do Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm. Thứ hai, các biện pháp dạy nghề, xuất khẩu lao động, việc làm thì do Bộ LĐ-TB&XH triển khai.
. Xin cám ơn ông.
Tháng 10 sẽ công bố biến thiên của độc tố Bộ KH&CN cùng Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đang phối hợp đo đạc tại 13 mặt cắt vào những thời điểm khác nhau để xem sự biến thiên của độc tố như thế nào, nồng độ giảm dần hay vẫn giữ nguyên. Dự kiến trong tháng 10 sẽ có kết quả. Dựa vào đó, cơ quan chuyên môn sẽ đưa ra phương án xử lý ô nhiễm tại bốn tỉnh miền Trung”. Ngày 5-7, PGS-TS Vũ Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân hải sản chết bất thường, thông tin tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ KH&CN. Về phương án khắc phục sự cố, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết chưa thể trả lời câu hỏi mất thời gian bao nhiêu lâu, kinh phí bao nhiêu... bởi đây là vấn đề rất lớn. “Làm khoa học thì phải rất chính xác, do vậy một số câu hỏi báo chí đặt ra chúng tôi không thể trả lời ngay được” - ông Tạc nói thêm. V.THỊNH |