Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế 2019 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2020 ngày 15-1, ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục thuế TPHCM cho biết trong thời gian tới Cục sẽ thanh tra, kiểm tra thuế các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đứng đầu danh sách này là Coca-Cola và Heineken.
Theo ông Minh, mục tiêu thanh tra kiểm tra ngành thuế trong năm 2020 là tập trung phân tích các hồ sơ có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn (dầu khí, xăng, điện lực, bất động sản); ngành nghề kinh doanh mới (kinh doanh qua mạng, kinh tế chia sẻ, đa cấp, games…); các doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng vốn, có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, doanh nghiệp xây dựng BOT, BT; các doanh nghiệp có ưu đãi, miễn giảm thuế.
Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM phát biểu tại hội nghị.
Đặc biệt sẽ tập trung thanh tra kiểm tra tại các doanh nghiệp FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Coca-Cola từng bị Cục thuế TPHCM xếp vào vị trí số một trong danh sách doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Các năm từ 2012 trở về trước, công ty này liên tục kê khai lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Mới đây, Tổng cục Thuế đã có quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế cho rằng Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định. Cụ thể, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế với số tiền hơn 471 tỉ đồng với Coca-Cola Việt Nam. Trong đó, số thuế GTGT bị truy thu là hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.
Cơ quan thuế cũng tính tiền chậm nộp hơn 288,6 tỉ đồng và lưu ý số tiền chậm nộp này mới tính đến hết ngày 16-12-2019. Ngoài ra, Coca-Cola Việt Nam còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng. Theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam phải có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau ngày 16-12-2019 đến thời điểm nộp số thuế truy thu và phạt vào ngân sách nhà nước. Ngay sau đó, Coca-Cola Việt Nam đã nộp vào ngân sách khoảng 471 tỉ đồng.
Đối với Heineken, Tổng cục Thuế cho biết cuối tháng 12-2019, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách, gồm gần 823 tỉ đồng thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp, sau khi cơ quan thuế ban hành kết luận thanh tra và quyết định thu thuế đối với thương vụ chuyển nhượng vốn của Công ty Heineken Hà Nội.
Cũng tại hội nghị, Cục Thuế TP.HCM cho biết tính đến ngày 31-12-2019, tổng thu thuế trên địa bàn TPHCM gần 291.500 tỉ đồng, đạt 100,4% dự toán năm, tăng 8,3% so với năm 2018.
Ông Peeyush Sharma - CEO CCBVL - Tổng Giám Đốc Coca-Cola Việt Nam tối 15-1 cho hay Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (viết tắt là CCBVL) không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng Cục Thuế, đồng thời giữ nguyên quan điểm của mình rằng hoạt động công ty luôn tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu đã được nộp lên Tổng Cục Thuế theo định kỳ cũng như trong đợt thanh tra. Theo đó, CCCBVL sẽ tiếp tục làm việc sâu sát cùng các cơ quan chính phủ có liên quan cho vấn đề này, để phù hợp với cam kết phát triển bền vững của công ty trong việc hoạt động kinh doanh tại Việt Nam với tinh thần minh bạch và tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam. Hiện CCBVL cũng đã tạm nộp số tiền thuế được ấn định trên các hạng mục vẫn còn chưa thống nhất với Tổng Cục Thuế trong quá trình kháng nghị và hy vọng sẽ nhận được khoản hoàn trả cho các hạng mục này sau đó. |