Một nguồn tin của Reuters cho biết, các nhà cung ứng Mỹ, trong đó có cả hai ông lớn là Qualcomm and Intel, vốn cung cấp chip cho Huawei đang lặng lẽ vận động hành lang với chính quyền Hoa Kỳ để nới lỏng các lệnh cấm với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Theo các nhà cung ứng Mỹ, họ chỉ bán các cấu phần để Huawei lắp ráp thành các sản phẩm điện thoại di động hay máy tính mà không chứa đựng các vấn đề liên quan đến an ninh như thiết bị mạng 5G của công ty Trung Quốc.
“Động thái này không phải là giúp Huawei mà tránh sự tổn hại lợi ích cho các công ty Hoa Kỳ”, nguồn tin đó nói.
Trong số 70 tỉ USD mà Huawei cho mua linh kiện vào năm 2018, thì có đến 11 tỉ USD đi vào các công ty Mỹ, như Qualcomm, Intel và Micron.
Nguồn tin của Reuter cũng nhấn mạnh, Qualcomm muốn tiếp tục cung ứng chip cho Huawei trong các thiết bị điện thoại di động và đồng hồ thông minh.
Hiệp hội bán dẫn Hoa Kỳ cũng thừa nhận đang đại diện các công ty công nghệ Mỹ làm việc với chính phủ Mỹ để giúp các công ty này có sự tuân thủ và bàn bạc chính xác về tác động của lệnh cấm công ty Mỹ bán hàng cho Huawei.
“Đối với những công nghệ không liên quan đến an ninh quốc gia, thì không nên nằm trong lệnh cấm này, và chúng tôi cũng sẽ truyền đạt quan điểm cho chính phủ. Chúng tôi thường xuyên trả lời cho các công ty Mỹ về phạm vi quy định lệnh cấm. Các cuộc hội thoại này không ảnh hưởng đến các hành động thực thi luật pháp”, ông Jimmy Goodrich, Phó Chủ tịch SIA cho biết.
Lệnh cấm các công ty Mỹ bán hàng cho Huawei được đưa ra sau khi có các đổ vỡ về đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau hàng tháng trời thảo luận về các vấn đề Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc trộm cắp tài sản trí tuế, và chuyển giao công nghệ một cách cưỡng bức.
“Hãng công nghệ khổng lồ Mỹ là Google, nhà cung ứng phần mềm, các dịch vụ kỹ thuật cho Huawei cũng ủng hộ việc bán hàng cho chúng tôi”, ông Lương Hoa, Chủ tịch Huawei cho biết.
Trong cuộc trả lời báo chí tại Mexico, ông Andrew Williamson, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề truyền thông của Huawei cho biết, công ty không yêu cầu đặc biệt ai để vận động hành lang cho mình. "Các công ty Mỹ làm vì lợi ích của họ vì Huawei là khách hàng lớn. Và các nhà sản xuất chip Hoa Kỳ cũng hiểu rằng lệnh cấm này là một thảm họa kinh doanh cho họ".
Giới phân tích cho rằng, việc vận động hành lang này của các công ty Mỹ trong nỗ lực tìm một lối đi hẹp cho kinh doanh vì sợ mất một khách hàng tốt chứ không muốn bị nhìn nhận là kẻ giúp sức cho hãng công nghệ bị gán là “gián điệp”.
Các nguồn tin của Reuters cũng cho biết thêm, Huawei hầu như thực hiện rất ít các cuộc vận động hành lang mang tính truyền thống tại Washington, ngoại trừ có cân nhắc gởi lá thư lên Bộ thương mại Hoa Kỳ.
“Chúng tôi đơn giản không có kênh giao tiếp nào để thực hiện vận động hành lang”, ông Lương Hoa giải thích.
Thực tế, Huawei cũng không có cuộc trao đổi nào với giới chức Mỹ trước một tháng bị đưa vào danh sách đen (blacklist). Thậm chí Huawei đã cắt giảm các nỗ lực vận động hành lang ngay cả trước lệnh cấm. Năm ngoái, họ đã sa thải năm nhân viên tại văn phòng Washington, trong đó có cả Phó chủ tịch đối ngoại, đồng thời cắt giảm chi phí vận động hành lang.
Tuy nhiên, Huawei thực hiện một cuộc chiến pháp lý mạnh mẽ và mở ra một chiến dịch truyền thông để bảo vệ mình trước các cáo buộc của chính phủ Mỹ. Huawei đã chạy quảng cáo trên các tờ báo lớn của Hoa Kỳ về cuộc phỏng vấn với Giám đốc điều hành Huawei là ông Ren Zhengfei nhằm mục đích bào chữa hình ảnh đen tối của mình trước thế giới phương Tây.
Dù các công ty Hoa Kỳ đang nỗ lực giúp Huewei, nhưng Huawei cũng đã chuẩn bị cho cuộc giảm tốc doanh thu điện thoại thông minh trên thị trường quốc tế từ 40-60%.