Shinzo Abe đối đầu Tập Cận Bình

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang trong giai đoạn bế tắc ngoại giao, tuy nhiên thế đối đầu ngày càng gia tăng giữa hai nhà lãnh đạo này lại trái ngược với các điểm tương đồng giữa hai nhà lãnh đạo này.

Hãng tin AFP ngày 3-1 nhận định tuy Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng xuất phát từ hai chế độ chính trị khác nhau nhưng cả hai đều là con của các nhà chính trị ưu tú.

Chủ tịch Tập Cận Bình là con của một anh hùng cách mạng, lớn lên trong bối cảnh bất ổn xã hội, chính trị và kinh tế. Cha ông từng bị quản thúc trong Cách mạng văn hóa. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe là con của một ngoại trưởng, cháu ngoại của Thủ tướng Nobusuke Kishi từng bị Mỹ xem là tội phạm chiến tranh năm 1945.

Chủ tịch Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: JAPAN TIMES và FOX NEWS

Sự tương đồng về tầm nhìn của hai nhà lãnh đạo này thể hiện qua các chương trình nghị sự quốc gia. Cả hai đều tìm cách trẻ hóa quốc gia. Chuyên gia Willy Lam ở Đại học Trung Quốc tại Hong Kong ghi nhận hai nhà lãnh đạo đều khai thác yếu tố chủ nghĩa dân tộc nhằm củng cố vị thế quốc gia.

Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đều cầm quyền vào cuối năm 2012. Ông Tập Cận Bình theo đuổi cái gọi là “giấc mơ Trung Quốc” và gọi đó là thời kỳ phục hưng của dân tộc, trong khi ông Shinzo Abe tìm cách sửa đổi hiến pháp và đưa ra tầm nhìn tích cực hơn cho Nhật với khẩu hiệu “Nhật đã trở lại”. Ông Tập Cận Bình cam kết theo đuổi chính sách quân sự mạnh mẽ, đại tu mô hình tăng trưởng kinh tế, làm trong sạch đảng cầm quyền vốn đang đối mặt với tệ nạn tham nhũng. Trong khi đó, ông Shinzo Abe tiến hành trẻ hóa nền kinh tế quốc gia sau hai thập kỷ mất mát.

Khẩu hiệu của Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đều theo đuổi bóng ma quá khứ thay vì vạch ra con đường mới cho quốc gia. Đến nay hai nhà lãnh đạo này chỉ hai lần đối mặt nhau, một lần tại cuộc họp bên lề hội nghị G20 hồi tháng 9-2013 tại Nga và một lần bắt tay vào tháng 10-2013 tại Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Indonesia.

Hãng tin AFP lưu ý ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Chủ tịch Mao Trạch Đông (26-12-2012) cũng là ngày Thủ tướng Shinzo Abe đến thăm đền chiến sĩ trận vong Yasukuni ở Tokyo.

Bài viết của nhà báo Katsuhiko Meshino cho báo Nikkei (Nhật) ghi nhận chuyến thăm lăng Mao Trạch Đông của Chủ tịch Tập Cận Bình và chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Shinzo Abe đều bị chỉ trích bởi các chuyến thăm đều diễn ra không đúng thời điểm. Theo nhà báo Katsuhiko Meshino, hai nhà lãnh đạo Nhật và Trung Quốc đều muốn khẳng định quan điểm riêng của mình về lịch sử.

Trung Quốc có quân đội lớn nhất thế giới. Ngân sách quốc phòng của trung Quốc đã tăng hai chữ số. Trong khi đó, Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách gia tăng chi phí quốc phòng trong thời gian đầu của nhiệm kỳ thủ tướng. Ông đã từng ngồi trên máy bay huấn luyện mang số hiệu 731. 731 là tên một đơn vị nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa sinh của quân đội Nhật đã tiến hành nhiều thí nghiệm trên cơ thể người trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai trong giai đoạn 1937-1945.

Theo GS David Zweig ở Đại học Khoa học & Công nghệ Hong Kong, Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đối mặt chung với thách thức. Chủ tịch Tập Cận Bình đang mong muốn áp đặt một nguyên tắc đạo đức mới tương tự đạo đức dưới thời Mao Trạch Đông nhằm đối phó với tham nhũng và xây dựng một đất nước suy thoái về đạo đức.

Về phần mình, Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực kết thúc 22 năm suy thoái bằng cách tăng cường chủ nghĩa dân tộc, tăng cường quân sự và tránh bị động trên chính trường quốc tế. Nói tóm lại, các nhà lãnh đạo quyết đoán như Thủ tướng Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình đều có thể tạo ảnh hưởng lớn ở Nhật và Trung Quốc.

DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm