Sóc Trăng: Bà con dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt đã có thể thi GPLX hạng A1

(PLO)- Trong bài thi lý thuyết, sát hạch viên sẽ đọc câu hỏi cho thí sinh nghe và đánh dấu vào mẫu bài sát hạch lý thuyết theo đáp án mà thí sinh lựa chọn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa ban hành Quyết định quy định về hình thức đào tạo và nội dung, phương án tổ chức sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, về lý thuyết, từ giáo trình khung đào tạo lái xe của Bộ GTVT, cơ sở đào tạo sẽ soạn riêng giáo trình, giáo án. Trong đó, có lược bỏ một số nội dung không phù hợp với người là đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt. Giáo trình, giáo án đào tạo này phải được Sở GTVT tỉnh phê duyệt.

Đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có thể thi sát hạch GPLX hạng A1.

Đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã có thể thi sát hạch GPLX hạng A1.

Các lớp học cũng sẽ được giảng dạy riêng theo giáo trình đã ban hành, trong đó, cần nhấn mạnh thêm về: tốc độ chạy xe trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, tác hại của việc đã uống rượu, bia khi tham gia giao thông; chuyển hướng đúng quy tắc giao thông đường bộ, đi đúng làn đường, trường hợp tránh,vượt, khi qua cầu.

Đối với phần thực hành, giáo viên hướng dẫn và thực hiện các thao tác mẫu như sơ cứu tai nạn giao thông, lái xe trong hình tại sân tập và chỉ dẫn vị trí cũng như tác dụng các bộ phận chủ yếu của xe mô tô.

Tại các lớp đào tạo, sát hạch cấp GPLX “đặc biệt” này, giáo viên chủ yếu sử dụng phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, bằng động tác mẫu, bằng chỉ dẫn và hỏi đáp. Trong quá trình giảng dạy giáo viên hướng dẫn cụ thể về cách điều khiển xe trên đường, các biện pháp đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông và nêu nhiều ví dụ cụ thể sinh động nhằm làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ.

Cạnh đó, giáo viên cũng dành thời gian để hướng dẫn, nhắc nhở học viên về nội dung và quy trình sát hạch, đồng thời giáo viên phải điều khiển xe trong hình sát hạch liên hoàn làm mẫu. Tổ chức và hướng dẫn cho học viên thi thử lý thuyết và thực hành trong hình có thiết bị cảm ứng.

Bộ đề sát hạch lý thuyết sẽ do Sở GTVT ban hành và thống nhất quản lý trên cơ sở bộ đề sát hạch lý thuyết chung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nhưng được lược bỏ một số câu hỏi để phù hợp với thí sinh và có tham khảo giáo trình đào tạo đã được phê duyệt. Bộ đề gồm 15 đề, mỗi đề có 15 câu hỏi, trong đó, có bảy câu về khái niệm và quy tắc giao thông, năm câu biển báo và câu sa hình.

Trong quá trình sát hạch lý thuyết, sát hạch viên ghi thông tin cá nhân trích ngang của thí sinh và yêu cầu thí sinh ký tên hoặc in vân tay vào mẫu bài sát hạch lý thuyết. Sau đó, thí sinh được phát đề ngẫu nhiên trong bộ đề sát hạch, từ đó, sát hạch viên đọc câu hỏi cho thí sinh nghe và đánh dấu vào mẫu bài sát hạch lý thuyết theo đáp án mà thí sinh lựa chọn.

Thời gian làm bài sát hạch lý thuyết là 20 phút kể từ khi phát đề, nếu thí sinh làm đúng 12/15 câu là đạt yêu cầu.

Quy định này áp dụng đối với các cơ quan quản lý đào tạo, các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe, tổ chức, cá nhân có liên quan và đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm