Ngồi chờ làm thủ tục nhận tiền bồi thường oan nhưng không ai nở nổi một nụ cười dù số tiền họ nhận không hề nhỏ so với cái nghề làm thuê, bắt chuột… kiếm sống của họ. Hóa ra những người bạn này còn những tổn thất khác không gì bù đắp dược.
Cơ quan tố tụng cũng mất mát
Theo đó, bảy thanh niên được VKS bồi thường tổng cộng gần 500 triệu đồng. Người được bồi thường nhiều nhất gần 80 triệu đồng, thấp nhất 66 triệu đồng.
Tại buổi chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho những người bị oan, ông Phan Văn Tùng, Trưởng phòng 2 VKSND tỉnh Sóc Trăng, thông tin: “Tất cả bảy người bị oan trong vụ án anh Dũng xe ôm đều thống nhất mức bồi thường theo thương lượng. Về xin lỗi tại địa phương, chỉ có anh Khâu Sóc đề nghị còn các bạn khác đồng ý không cần thủ tục này”. Ông Tùng cũng lý giải thêm, khoản tiền bồi thường cho bảy thanh niên bị oan là bù đắp về tổn thất tinh thần cho những ngày tháng bị giam oan, tiền công lao động của mỗi người theo công việc thực tế trước khi bị bắt giam…
Không chỉ các thanh niên chịu thiệt hại nặng nề mà những người gây ra oan cho bảy thanh niên hiện cũng đang bị trả giá. Có đến 25 cán bộ Công an tỉnh Sóc Trăng bị kỷ luật, kiểm điểm, luân chuyển về các vị trí thấp hơn, hai cán bộ bị khởi tố, bắt giam. Một kiểm sát viên của VKSND tỉnh Sóc Trăng cũng đã bị khởi tố điều tra. Vì vậy, những người bị oan không có ý kiến gì với những người bắt oan mình.
Anh Trần Văn Đở và Khâu Sóc đang làm thủ tục nhận tiền bồi thường tại VKSND tỉnh Sóc Trăng sáng 14-1. Ảnh: T.VŨ
Những vết thương khó lành
Cơ quan tố tụng trả giá còn những thanh niên thì mang nỗi buồn mất vợ, mất người yêu vì vụ án oan này.
Anh Trần Văn Đở, người chuyên nghề bắt chuột đồng bán cho quán nhậu ở thị trấn Trần Đề, được bồi thường 74 triệu đồng nhưng chẳng thấy anh vui. Sau khi anh nhận tiền ra khỏi VKSND tỉnh Sóc Trăng, tôi gợi chuyện: “Anh và Diễm làm hòa chưa?”. “Diễm vẫn sống ở thị trấn Trần Đề. Chúng tôi có gặp mặt nhau nhưng không nói chuyện”. “Tôi nghĩ hành động của Diễm là trong điều kiện ép buộc” - tôi nói. Vừa nghe câu này, anh Đở nổi giận ngay lập tức: “Không. Tôi không chấp nhận chuyện đó, dù bất cứ lý do nào”.
Trước khi vụ án xảy ra, anh và Nguyễn Thị Bé Diễm sắp làm đám cưới. Anh đã sắm thêm rất nhiều bẫy để đi bắt chuột bán cho các nhà hàng, quán nhậu. Diễm cũng tăng ca làm việc tại một quán ăn trong thị trấn. Họ dự tính tết 2014 sẽ làm đám cưới… Thế nhưng khi vụ án xảy ra, chính Diễm đã chỉ vào mặt anh, nói với cảnh sát điều tra rằng: “Người này đã cầm dao đâm chết anh Dũng xe ôm”. Vì hành động này của Diễm mà khi được trả tự do, anh nói sẽ hận Diễm suốt đời. Sau đó anh lầm lũi tiếp tục hành nghề bắt chuột và khi ai nhắc đến Diễm với ý định hàn gắn hai người, anh đổ quạu, rồi buồn.
Còn anh Thạch Sô Phách, khi được trả tự do thì căn nhà đã trống huơ trống hoác, vợ đã đi mà không một lời nhắn gửi. Con trai năm tuổi của anh được mẹ nó giao lại cho ông bà nội. Trần Hol cũng gãy đổ gia đình. Các bạn này không trách móc mà chỉ biện minh: “Chắc vợ em nghĩ em mang tội giết người nên không còn đường trở về. Em buồn nhưng tại hoàn cảnh, em không trách vợ em” - Thạch Sô Phách nói.
Trong ngày 14-1, VKS đã chi tiền bồi thường cho bốn thanh niên bị oan. Dự kiến hôm nay (15-1), ba thanh niên còn lại sẽ được chi trả.
Ngày 6-7-2013, anh Lý Văn Dũng được phát hiện nằm chết trên đường làng ở xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề. Sau một tuần điều tra, Công an tỉnh Sóc Trăng bắt tạm giam bảy thanh niên. Đến cuối năm 2013, khi cơ quan điều tra đang hoàn thành bản kết luận, đề nghị truy tố bảy bị can về tội giết người thì hai cô gái ra đầu thú, khai nhận hành vi giết anh Dũng xe ôm. Rốt cuộc sau khoảng bảy tháng bị tạm giam, Thạch Sô Phách, Trần Văn Đở, Trần Hol, Trần Cua, Khâu Sóc, Thạch Mươl, Nguyễn Thị Bé Diễm được trả tự do. Ngày 9-8-2014, VKSND Tối cao bắt Đại úy Triệu Tuấn Hưng và Thiếu tá Nguyễn Hoàng Quân để điều tra về tội dùng nhục hình và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Kiểm sát viên Phạm Văn Núi, VKSND tỉnh Sóc Trăng, cũng bị khởi tố về tội thiếu trách nhiệm… nhưng được cho tại ngoại điều tra. |