Sốc với suy thoái đạo đức của cán bộ

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Cà Mau thế chấp cả... thẻ đảng để vay nợ, thật sự gây sốc dư luận. Đó là chưa kể hằng ngày, nhiều vụ án hình sự được khởi tố, trong đó có nhiều người là đảng viên.

Vì sao có điều này? Từ một số vụ án hình sự đặc biệt lớn mà tôi tham gia với tư cách luật sư, có thể nhận thấy, thực trạng yếu kém, tê liệt trong sức mạnh lãnh đạo của một bộ phận tổ chức Đảng có phần xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ về tư cách đảng viên và vị thế lãnh đạo đương nhiên của Đảng. Biệt lập vai trò, vị trí của một đảng viên với bổn phận của một viên chức trong bộ máy Nhà nước và tư cách công dân có nghĩa vụ phải tôn trọng, thực thi, tuân thủ pháp luật.

Phải chăng thực trạng này còn xuất phát từ một thực tế là việc một công dân khi có nguyện vọng đứng vào hàng ngũ của Đảng và trở thành đảng viên, mặc nhiên được coi là đứng vào hàng ngũ tiên phong, lãnh đạo. Chưa kể không ít trường hợp vào Đảng để làm “cầu nối” cho việc thăng thăng quan, tiến chức. Do có vị thế lãnh đạo nên đương nhiên có quyền lực và đến lượt mình, quyền lực lãnh đạo tạo ra lợi ích, đặc quyền. Mặc dù Đảng ta đã chủ trương đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ nhưng thật sự nhiều người có năng lực, tâm huyết nhưng không phải là đảng viên, hoặc là đảng viên nhưng không nằm trong diện “quy hoạch”, “cơ cấu” thì khó khăn trong việc cất nhắc, đề bạt.

Vấn đề nằm ở chỗ, cần quan niệm đảng viên, cho dù người đó giữ các trách nhiệm của Nhà nước ở các cấp, trước hết vẫn phải là một công dân với nghĩa pháp lý đầy đủ nhất của nó, được hưởng đầy đủ các quyền và có bổn phận thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, không có sự phân biệt đối xử về mặt địa vị pháp lý và không thể đứng trên luật pháp. Hơn nữa, nhìn từ lịch sử, Đảng ta đã trải qua những thử thách cam go, đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo cuộc đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc, để cho mọi người dân có đầy đủ quyền công dân, sống an bình trong một đất nước tự do và độc lập. Do đó, suy cho đến tận cùng, năng lực và sức chiến đấu của Đảng, trong đó có mỗi đảng viên chỉ có được và bồi đắp khi bám rễ vào lòng dân, sống yêu thương trong lòng dân tộc. Đảng viên phải thực hiện đầy đủ, trọn vẹn quyền và nghĩa vụ của công dân trước khi có được vị thế tiên phong của người lãnh đạo.

Va chạm nhiều trong ngành luật, tôi thấm hiểu vì sao trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 ngày 26-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đặc biệt việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là công việc hệ trọng nhưng rất khó, rất phức tạp vì nó liên quan đến công tác xây dựng tổ chức, xây dựng con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người.

Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nó còn liên quan đến vị trí lãnh đạo của Đảng và địa vị pháp lý của người đảng viên-công dân trong lòng dân tộc. Trải qua các giai đoạn thăng trầm của lịch sử, dân tộc đã đồng lòng và Hiến pháp đã ghi nhận vị trí lãnh đạo của Đảng. Đây là sự thừa nhận mang tính pháp lý cao nhất mà suy cho cùng, pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật và nhà nước có nhiệm vụ thể chế hóa đường lối của Đảng thành pháp luật.

Đề án một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng là công việc hệ trọng, rất khó, rất phức tạp... “Khó nhưng không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”- Tổng Bí thư phát biểu.

Phải chấn chỉnh từ nhận thức đến hành động để không còn chuyện suy thoái đạo đức, tư cách đảng viên, để không còn những chuyện đi cầm thẻ đảng để vay nợ, đặt cược cả tỉ đồng vào mỗi ván cờ…

TS Phan Trung Hoài

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm