Chỉ còn một ngày nữa là bầu cử tổng thống Nga diễn ra, thế nhưng ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Vladimir Putin lại đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn về đối ngoại.
Liên tiếp bị phủ đầu về ngoại giao
Đáng chú ý nhất thời điểm này có lẽ là căng thẳng giữa Nga với Anh quanh việc hai cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal bị đầu độc bằng chất độc thần kinh ở Anh. Vụ đầu độc xảy ra ngày 4-3 và hiện hai nạn nhân vẫn đang nguy kịch trong bệnh viện. Anh xác định chất độc hóa học này có tên Novichok, được sản xuất tại Liên Xô giai đoạn thập niên 1970-1980.
Chính phủ Anh liên tiếp đòi chính phủ Nga chịu trách nhiệm, đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt: Trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, ngưng trao đổi cấp cao, hủy chuyến thăm dự tính của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đến Anh, phong tỏa tài sản chính phủ Nga tại Anh. Nữ Thủ tướng Anh Theresa May còn tính đưa cả vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ).
Ngày 15-3 vừa qua, bộ tứ Anh, Pháp, Đức, Mỹ ra tuyên bố chung lên án Nga vi phạm chủ quyền Anh, vi phạm luật pháp quốc tế, cáo buộc Nga là nước đầu tiên sử dụng chất độc hóa học ở châu Âu sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ trích hành động “gây mất ổn định và nguy hiểm” của Nga, tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Anh dù không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới hay một cuộc chạy đua vũ trang mới với Nga.
Chính phủ ông Trump ngày 15-3 cũng ban hành lệnh trừng phạt mạnh nhất lên Nga kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tổng cộng có năm công ty và 19 cá nhân Nga nằm trong diện bị trừng phạt của Mỹ liên quan đến cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 và các cuộc tấn công mạng ở Mỹ. Trao đổi báo chí, Tổng thống Trump cũng lần đầu tiên bày tỏ mối nghi ngờ Nga đứng đằng sau vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên Skripal. Ông khẳng định chính phủ Mỹ nhìn nhận đây là một vụ việc “rất nghiêm trọng”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vận động tranh cử ở Moscow (Nga) ngày 3-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Quyền uy ở Syria bị đe dọa
Vị thế và quyền uy quân sự của Nga ở Syria cũng bị thách thức dữ dội khi liên tục vấp phải những phản ứng cứng rắn từ Mỹ, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Có vẻ sự kiên nhẫn của Mỹ với Nga ở chiến trường này đang dần cạn. Trong cuộc họp của HĐBA về Syria ngày 12-3, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã chỉ trích Nga đứng sau nghị quyết ngừng bắn “đầy lỗ hổng” buộc HĐBA thông qua ngày 24-2 để rồi không được bên nào tuân thủ. Bà Haley cho rằng Nga đã lợi dụng các lỗ hổng này để tiếp tục duy trì các cuộc tấn công có chủ đích và không màng đến sự an toàn của dân thường.
99,9% chiến thắng sẽ thuộc về ông Putin trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 18-3 tới khi tỉ lệ ủng hộ của ông luôn đạt mức 80% trong bốn năm qua, theo thăm dò của Levada - trung tâm thăm dò ý kiến xã hội độc lập ở Nga. |
Không dừng ở chỉ trích, bà Haley còn đề xuất một dự thảo nghị quyết ngừng bắn 30 ngày ở khu vực quanh thủ đô Damascus và Đông Ghouta của Syria. Dự thảo lần này của Mỹ bỏ đi điều khoản cho phép các bên duy trì các chiến dịch quân sự đánh khủng bố như trong đề xuất mà Nga từng thúc đẩy. Nữ đại sứ còn cảnh báo nếu HĐBA không tìm kiếm được sự đồng thuận của Nga và can thiệp vào Syria thì nước Mỹ cũng sẵn sàng hành động đơn phương. Ngay cả nước Pháp cũng đưa ra cảnh báo sẵn sàng chen chân vào vấn đề Syria. Tổng thống Emmanuel Macron ngày 12-3 tuyên bố sẵn sàng đánh phủ đầu bất kỳ nơi nào ở Syria nếu có đủ bằng chứng cho thấy diễn ra các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nhắm vào dân thường. Không giống những lần cảnh cáo trước, đe dọa lần này của Pháp nghiêm trọng và có sức nặng hơn vì ông Macron khẳng định Pháp có đủ năng lực độc lập xác định mục tiêu và thực hiện chiến dịch quân sự.
Chính sách đối ngoại của Nga ở Syria cũng bất ngờ bị thách thức bởi Thổ Nhĩ Kỳ - đối tác thân cận thời gian qua. Giới lãnh đạo quân sự tại Ankara ngày 15-3 cho biết đã chiếm được 70% thị trấn Afrin, tỉnh Aleppo từ lực lượng các tay súng người Kurd (YPG). Thế nhưng Ankara quyết không giao lại quyền kiểm soát cho chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad một khi chiến dịch “Cành ô liu” kết thúc. Cách hành xử này của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây khó xử lớn cho chính phủ Moscow, kẹt giữa một bên là đồng minh truyền thống Damascus còn bên kia là đối tác quan trọng trong cục diện Trung Đông.
Đài CNBC dẫn ý kiến nhiều nhà phân tích cho rằng phản ứng của Anh với việc cha con cựu điệp viên người Nga Skripal bị đầu độc bằng chất độc hóa học có thể sẽ khiến người Nga tham gia ngày bầu cử nhiều hơn vào cuối tuần này. Phó Chủ tịch Công ty tư vấn Teneo Intelligence (Mỹ) Otilia Dhand thì cho rằng điều này sẽ khiến kết quả bỏ phiếu trở nên khó đoán hơn, phần nào bất lợi cho Tổng thống Putin. Tuy nhiên, bất lợi sẽ không đủ mạnh để ảnh hưởng đến chiến thắng gần như đã rõ ràng của nhà lãnh đạo kỳ cựu. Ông Dhand dự đoán ông Putin sẽ thắng ngay vòng bỏ phiếu đầu. Trong khi đó, nhà phân tích Daragh McDowell, thuộc tổ chức phân tích rủi ro Verisk Maplecroft (Anh), cũng không tin “bão tố” bên ngoài nước Nga sẽ xoay chuyển được cục diện cuộc bầu cử. |