Nếu như cụ Vương Hồng Sển đi vào Sài Gòn với cặp mắt và tâm thế của nhà biên khảo đầy tài liệu, con số thì nhà văn Bình Nguyên Lộc đi vào Sài Gòn bằng những bước chân lang thang khắp những con đường và cảm nhận bằng tâm hồn của một nhà văn, thả hồn theo chữ nghĩa.
Đi lại trên những con đường “có lá me bay” hôm nay chợt thấy rằng hồn cốt của Sài Gòn vẫn không đổi khi đọc ông viết về những hàng me của những năm 1950: “Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa, những hàng me tò mò dòm vào các cửa sổ tư gia, gởi vào đó những lá nhỏ li ti trên tóc cô gái bé, những hàng me tàn xanh sậm quyến luyến những tiếng dương cầm của ai trong vài cửa sổ vọng ra... Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu”.
Bước chân đưa ông đến kênh Tàu Hủ: “Tây đặt cho nó cái tên rất ngây ngô là “Rạch Cắc chú” (…) Thủ đô miền Nam là một thành phố mới. Cây, lá, nhà, phố, phong tục, đều chưa mang được cái vẻ cổ kính, chưa biết kể lể những kỷ niệm cảm động để quyến luyến con người. Nhưng trong tình cảnh thiếu thốn bản sắc riêng ấy, may thay, Sài Gòn còn được con sông Ông Lãnh... Con sông đặc biệt Á Đông với những chiếc ghe dùng làm nhà, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ, một con gà muốn cất cánh bay mà ngại chết đuối… Sông con ơi, Sài Gòn làm đỏm làm dáng mà ngươi vẫn dơ, vẫn hôi mùi bùn non, mùi nước mắm, hôi cái mùi của những chị cần lao. Nhưng chính cái mùi hỗn hợp ấy đã làm cho ngươi dễ thương biết bao”.
Nhờ ông, hậu sinh ta mới biết được Sài Gòn có những con đường chim thường đậu qua bài viết Khóc Bạn Chim: “Đường Phạm Ngũ Lão, 9 giờ sáng. Quãng đường từ tiệm nhảy Kim Sơn vô đến ngã ba Nguyễn Thái Học vắng hoe như đường trong làng (…) Góc phố Nguyễn Khắc Nhu và góc phố Cô Bắc. Ở đây có một cái bể cạn chứa rác rất to. Sau bể cạn, miếng đất hoang vu bên trong là vườn chuối…”. Hay là chuyện xây dựng TP bắt đầu từ những con xóm nghèo, đọc xong thì thấy chẳng khác chi chuyện thời nay, khác chăng chỉ là quy mô xây dựng như ông viết: “Mới hôm tháng trước đây, chỗ nầy còn là rún của một xóm nghèo đông đúc. Ở đó người ta sống, vui, buồn, hạnh phúc hoặc khổ đau. Nay cũng chính chỗ nầy, mà nơi chốn nầy lại chứng kiến những thứ khác vui nhộn hơn nhưng lại không có sự sống như cuộc sống âm thầm hôm nọ. Thật là lạc hướng. Nhà của người bà con, trước kia mình quẹo ba lần để vào ba hẻm, giờ hẻm bị chặt đứt khúc còn biết đâu mà tìm”.Là một căn nhà hộp quẹt “siêu mỏng” như ta gọi bây giờ: “Căn nhà nầy chỉ rộng có hai thước, thế mà trên đó chồng lên tới hai từng gác. Ngày thường nhà nầy dựa vào nhà kia nên không thấy nó cheo leo nhưng khi mà chung quanh bị dỡ đi hết, nhà nầy như thình lình mới mọc lên, ốm nhom ốm nhách tưởng chừng như cỡ gió thổi mạnh là nó sẽ ngã ngay”. Ngày hôm nay cũng có những đại gia mua nhà kiểu này: “Một hôm, có một ông ngừng xe hơi lại ngoài phố rồi xâm xâm đi vào và đề nghị xẳng lè:
- Ê! Cái nhà lá nát của anh đây, bảy chục ngàn bán không?”.
Biết đâu được căn nhà, khu phố rách nát trong bài này bây giờ đã là một khu thị tứ mà giá hàng chục triệu một mét vuông.