Sóng thần quét vào Indonesia, 'tình hình hỗn loạn'

Tin từ Jakarta Post, tối 28-9, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa lý Indonesia (BMKG) cho biết sóng thần cao 2 m xuất phát từ trận động đất mạnh 7,5 độ Richter chiều cùng ngày đã tràn vào hai TP ở đảo Sulawesi. Đó là TP Palu (thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi) và TP Mamuju (thuộc tỉnh Tây Sulawesi).

Chủ tịch BMKG Dwikorita Karnawati xác nhận nước đã rút, BMKG đã thu hồi cảnh báo sóng thần 30 phút sau khi phát đi.

“Nó đã kết thúc. Tình hình hỗn loạn, người dân chạy ra đường và nhà cửa đổ rạp. Có một con tàu bị cuốn ra ngoài biển” - bà Dwikorita Karnawati nói với Reuters.

TP Palu bị sóng biển cao 2m tràn vào, sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter chiều 28-9. Ảnh: TWITTER

TP Palu bị sóng biển cao 2 m tràn vào sau trận động đất mạnh 7,5 độ Richter chiều 28-9. Ảnh: TWITTER

Tại Palu, nhiều nhà cửa, nhà đậu xe, trung tâm mua sắm bị sập, điện bị cắt trên diện rộng, sân bay ở Palu phải đóng cửa. Chưa có thông tin ở Donggala , nơi cách tâm chấn 56 km. Tổng cộng ở hai địa phương này có khoảng 600.000 dân sinh sống. Cũng chưa có thông tin từ TP Mamuju.

Theo thông tin từ Reuters thì Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ quốc gia Indonesia sẽ triển khai một tàu lớn và một số trực thăng hỗ trợ cứu hộ. Chưa có thông tin chính thức về thương vong và thiệt hại, nhưng theo tin từ Express thì ít nhất có 11 người chết.

Một đền thờ ở Palu bị sóng tràn vào chiều 28-9. Ảnh: TWITTER

Một đền thờ ở Palu bị sóng tràn vào chiều 28-9. Ảnh: TWITTER

Express dẫn dự báo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) có khả năng sẽ có tới 10.000 người chết vì trận động đất mạnh này. Tâm chấn khá nông so với mặt đất, ở độ sâu chỉ 10 km. Thêm nữa, “các trận động đất gần đây trong khu vực dẫn tới nguy hiểm thứ phát như các đợt sóng thần có thể sẽ gia tăng thương vong hơn”.

Người dân bị thương sau trận động đất mạnh ở Sulawesi (Indonesia) ngày 28-9. Ảnh: AP

Người dân bị thương sau trận động đất mạnh ở Sulawesi (Indonesia) ngày 28-9. Ảnh: AP

Theo Jakarta Post, có nhiều ý kiến chỉ trích tại sao có sóng thần xuất hiện mà BMKG lại thu hồi cảnh báo. Theo Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa quốc gia Indonesia, BMKG quyết định thu hồi cảnh báo sau quá trình vừa theo dõi bằng mắt, vừa kiểm tra bằng thiết bị phao đo lường sóng trên biển trong 30 phút.

“BMKG đã không nhận thấy có sự thay đổi đáng kể nào về mực nước biển sau đó. Đó là lý do tại sao họ chấm dứt cảnh báo” - người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ thảm họa qốc gia Indonesia Sutopo Purwo Nugroho nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm