Sốt ruột tình hình Odessa và thỏa thuận ngũ cốc

(PLO)- Liên hợp quốc và các nước đang nỗ lực kéo Nga quay lại thỏa thuận ngũ cốc, trong bối cảnh lo ngại về an ninh lương thực lẫn an ninh TP Odessa và Biển Đen ngày càng lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen giữa Nga với Ukraine hết hiệu lực từ ngày 17-7 do Nga từ chối gia hạn. Một ngày sau khi rút khỏi thỏa thuận, Nga không kích, bắn tên lửa vào TP cảng Odessa (nằm trên bờ tây bắc Biển Đen, thuộc tỉnh Odessa, Đông Bắc Ukraine), với lý do trả đũa việc cầu Crimea bị tấn công ngày 17-7 mà Nga quy Ukraine là thủ phạm.

Tình hình Odessa ngày càng đáng ngại

TP Odessa bị tấn công liên tục gần một tuần qua và ngày càng nghiêm trọng. Hãng tin Ukrinform dẫn thông tin từ không quân Ukraine rằng trong đêm 23-7, quân Nga tiếp tục tấn công TP Odessa. Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, quân Nga đã nã nhiều loại tên lửa khác nhau vào Odessa. Cuộc tấn công làm hư hại hàng chục di tích kiến ​​trúc và nhà dân, có thương vong dân thường.

Một nhà kho chứa ngũ cốc ở TP Odessa (Ukraine) bị trúng tên lửa hành trình vào ngày 21-7. Ảnh: AP

Một nhà kho chứa ngũ cốc ở TP Odessa (Ukraine) bị trúng tên lửa hành trình vào ngày 21-7. Ảnh: AP

Ngoài các “trung tâm lịch sử, di sản thế giới” thì “tòa lãnh sự quán Hy Lạp cũng bị hư hại”, theo ông Zelensky. Đây là cơ quan lãnh sự thứ hai ở Odessa bị ảnh hưởng. Ba ngày trước, tòa lãnh sự quán Trung Quốc ở Odessa cũng bị hư hại.

Ngày 23-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (LHQ) (UNESCO) - bà Audrey Azoulay cho biết UNESCO lên án các cuộc tấn công của Nga nhằm vào một số địa điểm văn hóa ở Odessa, nơi có các di sản thế giới được UNESCO công nhận, theo trang web của UNESCO.

Bà Azoulay kêu gọi Nga tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước The Hague năm 1954 về bảo vệ tài sản văn hóa trong trường hợp xung đột vũ trang và Công ước Di sản thế giới năm 1972.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Ban Thư ký UNESCO có quan điểm thiên vị về tình hình ở Ukraine, rằng “các quan chức UNESCO từ chối nhìn nhận tình trạng vô luật pháp đã diễn ra ở Ukraine trong nhiều năm”.

Ngoài tấn công Odessa, Nga tuyên bố sẽ coi bất kỳ tàu nào hướng đến các cảng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen là mục tiêu quân sự. Ukraine cũng phản ứng gắt với cảnh báo tương tự, rằng sẽ coi các tàu hướng đến các cảng do Nga kiểm soát là mục tiêu quân sự.

Có ý kiến cho rằng có thể cần hòa giải viên mới để giải cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ông Erdogan từ khi thắng cuộc bầu cử vào tháng 5 đã dần chuyển lợi ích đất nước sang phương Tây - tức sang Kiev. Sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với việc Ukraine gia nhập NATO cũng nằm trong tính toán này. Điều này có thể tác động tới quan điểm của Nga về độ trung lập của Thổ Nhĩ Kỳ.

Gấp rút tìm cách khôi phục thỏa thuận ngũ cốc

Diễn biến lo ngại này càng nhấn mạnh tính cần thiết phải sớm khôi phục thỏa thuận ngũ cốc. Thỏa thuận - còn được gọi là Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen - được khôi phục sẽ không chỉ làm ổn định an ninh lương thực toàn cầu mà khả năng giúp TP Odessa thôi bị tấn công cũng như giữ an ninh Biển Đen.

Ngày 21-7, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ họp về chuyện Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, theo hãng tin Reuters. Trước đại diện 15 nước thành viên HĐBA, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) - ông Martin Griffiths cho biết giá ngũ cốc tăng đột biến kể từ khi thỏa thuận ngũ cốc hết hiệu lực và diễn biến này kéo dài có khả năng đe dọa, đẩy hàng triệu người vào nạn đói. Theo ông Griffiths, khoảng 362 triệu người ở 69 nước đang cần viện trợ nhân đạo.

Phó Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng hy vọng rằng Moscow và LHQ sẽ sớm hợp tác để nối lại xuất khẩu từ cả Nga và Ukraine vì lợi ích “duy trì an ninh lương thực quốc tế và giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực ở các nước đang phát triển nói riêng”. Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield kêu gọi HĐBA và tất cả 193 quốc gia thành viên LHQ hối thúc Nga nối lại đàm phán khôi phục thỏa thuận.

Phó Đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyanskiy cho biết Moscow sẵn sàng quay lại thỏa thuận nếu danh sách các yêu cầu được đáp ứng, như phương Tây bỏ các hạn chế về thanh toán, hậu cần và bảo hiểm với xuất khẩu ngũ cốc Nga. Yêu cầu chính của Moscow là tái kết nối Ngân hàng Nông nghiệp Nga Rosselkhozbank với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT vốn bị Liên minh châu Âu cắt đứt vào tháng 6-2022.

Một tín hiệu lạc quan là LHQ đang “làm trung gian cho một đề xuất cụ thể” giữa Nga với Ủy ban châu Âu để kết nối một công ty con của Rosselkhozbank với SWIFT. Đặc phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại LHQ Olof Skoog nói trước HĐBA rằng EU “sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp với LHQ để góp phần nối lại thỏa thuận ngũ cốc”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hy vọng sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng tới và trao đổi khôi phục thỏa thuận ngũ cốc. Ông Erdogan cũng kêu gọi các nước phương Tây xem xét các yêu cầu của Nga.•

Hai lý do chính Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, được Nga và Ukraine ký kết vào tháng 7-2022. Theo thỏa thuận, các tàu Ukraine có thể vận chuyển ngũ cốc từ các cảng Yuzhny, Odessa và Chornomorsk ở Biển Đen qua eo biển Bosphorus mà không bị tấn công. Thỏa thuận được gia hạn thêm 60 ngày vào tháng 5, chính thức hết hạn vào 17 giờ ngày 17-7 sau khi Nga từ chối gia hạn lần thứ hai.

Một lý do chính Nga đưa ra là xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga không được tạo điều kiện. Nga cho rằng phương Tây đã không giữ lời hứa về việc kết nối lại các ngân hàng của mình với SWIFT, khởi động lại đường ống dẫn khí amoniac quan trọng, cho phép nhập khẩu máy móc và phụ tùng nông nghiệp, cũng như bỏ chặn bảo hiểm vận tải. Bên cạnh đó, Ukraine đã sử dụng các hành lang nhân đạo để vận chuyển vũ khí vào các cảng của mình ở Biển Đen.

Lý do thứ hai là ngũ cốc của Ukraine đã không đến được các nước nghèo. Các nước nghèo chỉ nhận được 3% lượng ngũ cốc do Ukraine vận chuyển. Vì thế, tác động của thỏa thuận đối với việc cung cấp ngũ cốc của Ukraine cho thị trường toàn cầu “về cơ bản không đáng kể”, theo phía Nga.

Theo đài RT ngày 24-7, Tổng thống Vladimir Putin tố các doanh nghiệp phương Tây đã trục lợi một cách “không biết xấu hổ” từ Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen và việc tiếp tục thỏa thuận không còn ích lợi gì nữa, vì nó đã không phục vụ mục đích nhân đạo như ban đầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm