Sáng 22-1, tại cuộc họp báo, Sở Y tế TP cho biết số ca mắc SXH trên địa bàn TP trùng khớp con số mà BS Nga báo cáo ngày 6-1.
Sẽ không có gì phải bàn luận ở đây nếu Trung tâm Y tế dự phòng không đưa ra con số mắc SXH khác hẳn so với số liệu trên.
Theo đó, cũng trong sáng 22-1, tại buổi tổng kết hoạt động phòng, chống dịch năm 2015 và triển khai hoạt động năm 2016, BS Nga lại báo cáo tổng số bệnh nhân mắc SXH năm 2015 của TP chỉ còn 11.749 ca, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2014. Tức số ca giảm một nửa so với báo cáo trước đó nửa tháng. Vì sao lại có những con số báo cáo kỳ lạ như vậy?
Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP, giải thích: Con số tăng 75% là số liệu tổng bệnh nhân xuất viện sau khi đã xác định chính xác là những trường hợp mắc SXH, còn số 115% là số ban đầu nhập viện và nghi ngờ mắc SXH. Có rất nhiều trường hợp nhập viện nghi SXH nhưng qua quá trình khám và theo dõi, bệnh nhân xuất viện được chẩn đoán là không mắc SXH.
Cũng theo ông Dũng, khi thực hiện hoạt động chống dịch thì sẽ lấy con số nhập viện để mình cảnh báo chứ nếu lấy số liệu xuất viện làm con số đi điều tra chống dịch sẽ mất rất nhiều thời gian và gây khó khăn. Cứ sau một mùa dịch trung tâm sẽ lấy con số xuất viện để đánh giá chính xác tình hình dịch. Trung tâm Y tế dự phòng cũng không so sánh dịch một năm mà phải so sánh nhiều năm để đánh giá và dự báo những năm sau tình hình dịch sẽ diễn ra như thế nào. Cũng theo ông Dũng, việc lấy số liệu bệnh nhân xuất viện làm số liệu tổng kết là chuyện diễn ra bình thường và được thực hiện từ trước tới giờ, không có bất cứ thay đổi gì!
Nhưng có một thực tế là có nhiều bệnh nhân mắc SXH điều trị ngoại trú (không nhập viện thì làm sao có xuất viện), thậm chí là có điều trị nhưng chưa được ghi nhận thì con số này có được đưa vào báo cáo hay không? Đành rằng số ca mắc SXH ít là điều đáng mừng và cũng cho thấy công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, ý thức người dân nâng cao.
Phải chăng vì thành tích hay vì muốn làm giảm nhẹ gánh nặng SXH của TP.HCM so với thực tế?