Hãng tin NHK (Nhật) ngày 30-7 cho hay Sri Lanka vừa ký một hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD cho phép Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm.
Sri Lanka đã nhận khoản vay 1,4 tỉ USD từ Trung Quốc để xây dựng cảng biển được đánh giá là cảng lớn nhất ở Nam Á này. Tuy nhiên, chính phủ Sri Lanka không có khả năng chi trả khoản nợ và việc cho phép thuê cảng sẽ giúp nước này giảm nhẹ số nợ.
Hợp đồng thuê đã được ký hôm 29-7 giữa hai công ty quốc danh hai nước là Cơ quan các cảng Sri Lanka (SLPA) và Công ty cảng thương mại Trung Quốc (0144.HK). Hợp đồng nói rõ 0144.HK sẽ sở hữu 70% cổ phần của công ty liên doanh vận hành cảng Hambantota và được phép tiến hành các hoạt động thương mại tại cảng này trong vòng 99 năm.
Vị trí chiến lược của cảng Hambantota. Đồ họa: BBC
“Chúng tôi cám ơn Trung Quốc vì đã sắp xếp cho nhà đầu tư này cứu chúng tôi thoát khỏi bẫy nợ nần” - Bộ trưởng Các vấn đề về cảng Sri Lanka Mahinda Samaraasinghe phát biểu trong lễ ký kết hợp đồng ở thủ đô Colombo, theo Reuters.
Hu Jianhua, Phó Chủ tịch điều hành của Công ty cảng thương mại Trung Quốc, cho biết cơ sở hạ tầng của cảng thuộc về người dân Sri Lanka nhưng nó sẽ là một phần quan trọng trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, nhằm thiết lập các kết nối thương mại và giao thông dọc châu Á và các khu vực khác.
Nằm gần tuyến đường biển chính đi từ châu Á tới châu Âu và giữ vai trò chủ chốt trong sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, cảng Hambantota đã gây nhiều tranh cãi kể từ khi công ty Trung Quốc ký kết một thỏa thuận giữ 80% cổ phần của cảng biển.
Cảng Hambantota ở phía Nam Sri Lanka. Ảnh: AFP
Thỏa thuận lúc đầu được ký kết vào năm ngoái. Tuy nhiên, nó đã khiến dư luận Sri Lanka giận dữ bởi phía Trung Quốc hầu như kiểm soát toàn bộ cảng. Chính phủ Sri Lanka sau đó xem xét lại thỏa thuận và quyết định ký hợp đồng chính thức hôm 29-7.
Một số quan chức chính phủ Sri Lanka cảnh báo hợp đồng trên đồng nghĩa với việc nước này bị Trung Quốc “thực dân hóa”.
Al Jazeera cho biết cảng Hambantota nằm ở một vị trí chiến lược ở phía Nam Sri Lanka. Nếu Trung Quốc kiểm soát được cảng này thì Bắc Kinh có thể hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương dễ dàng hơn. Ấn Độ lo ngại Trung Quốc có thể dùng cảng biển sâu này để neo đậu các tàu quân sự.
Theo NDTV, Ấn Độ cực kỳ lo ngại trước việc Trung Quốc triển khai ít nhất sáu tàu ngầm tới Ấn Độ Dương kể từ năm 2013. Tờ Times News Network đầu tháng 7 cho biết ít nhất 13 tàu chiến Trung Quốc đã bị phát hiện hoạt động ở Ấn Độ Dương trong hai tháng qua. Động thái này cho thấy Bắc Kinh ngày càng âm mưu tăng cường ảnh hưởng tại khu vực sân nhà của Ấn Độ.