Sau nhiều năm chờ đợi, vừa qua hai thanh niên nghèo không may bị thương tật một bên mắt đã tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn hiến giác mạc từ một phụ nữ mắc bệnh ung thư tại TP.HCM.
“Học không hành” ba năm trời
Chờ kết quả hai cuộc phẫu thuật, điều dưỡng Đặng Tuấn Đạt (30 tuổi, quê Vĩnh Long) cũng hồi hộp không kém. Anh là nhân viên ngân hàng mắt của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM, người trực tiếp lấy giác mạc về ghép cho hai bệnh nhân. Đây là giác mạc thứ 58 và 59 anh lấy sau tám năm làm công việc đặc biệt này, sau đó chuyển đến Bệnh viện (BV) Nguyễn Trãi để ghép cho bệnh nhân.
Tìm gặp anh Đạt tại ngân hàng mắt (1147 Trần Hưng Đạo, quận 5) không khó. Hằng ngày, ngoài phụ giúp hồ sơ cùng các công việc của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, anh chỉ quanh quẩn ở TP.HCM, sẵn sàng chạy đua với thời gian khi có người hiến giác mạc.
“Giác mạc được lấy tốt nhất là trong vòng tám tiếng sau khi người hiến qua đời. Mỗi khi đi, tôi sẽ thu xếp dụng cụ rồi qua BV lấy dung dịch bảo quản, sau đó chạy đến nhà người hiến” - anh Đạt cho biết.
Anh Đạt chia sẻ “nghiệp” vận vào anh lúc nào không hay. Gia cảnh khó khăn, học xong cấp 3 anh lên TP làm công nhân giày da, sau đó học điều dưỡng từ lời rủ rê của người bạn. Khi ấy, anh rất hứng thú và mường tượng sẽ tất bật với công việc điều dưỡng cấp cứu của một BV. Nhưng rồi anh lại gắn bó với việc này nhân dịp Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP tuyển người chuyên đi lấy giác mạc từ người mất. Công việc dù lạ lẫm, song với bản tính thích tìm tòi cái mới, anh nhận lời.
Sau đó, anh được cử đi Hà Nội học cách lấy giác mạc, thực tập trên mắt heo. Với kiến thức đã có, anh nôn nóng về thực tập trên “người thật, việc thật”. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, ba năm đầu thành lập, ngân hàng mắt chưa tiếp nhận được người hiến giác mạc nào, đồng nghĩa anh không có cơ hội thực hành. Dù được hội giao các công việc khác để khỏa lấp thời gian nhưng không ít lần anh cảm thấy chán nản. “Mỗi lần muốn bỏ cuộc tôi lại được các cô chú ở hội động viên. Nhìn các cô chú đã lớn tuổi nhưng rất tâm huyết vì bệnh nhân nghèo, lo lắng không tìm được người thay thế nếu tôi nghỉ, tôi lại được tiếp thêm động lực” - anh bộc bạch.
Mãi đến năm 2015, hội mới nhận được thông tin một người ở Bến Tre muốn hiến giác mạc. Cơ hội cho anh Đạt thực hành đã đến nhưng kiến thức bị “ngâm” đến ba năm làm anh có chút lo ngại. Suốt đoạn đường từ TP.HCM về Bến Tre, đầu anh không phút nào nghỉ ngơi, luôn mường tượng nhớ lại cách lấy giác mạc đã học trước kia.
“Lấy mỗi giác mạc chỉ cần chừng 20 phút nhưng với ca đầu tiên, do chưa quen nên tôi loay hoay khá lâu. Lần ấy chúng tôi chỉ lấy được một giác mạc” - anh nhớ lại.
Giác mạc này sau đó được anh đem về và chứng kiến các bác sĩ cắt gọt rồi đặt vào mắt người nhận. “Từ con mắt màu trắng sữa, sau khi đặt giác mạc mới vào, mắt bệnh nhân dần trong trẻo hơn. Tôi cảm thấy rất thích thú và lúc này mới hiểu hơn ý nghĩa việc mình làm, quyết tâm theo đuổi nó” - anh Đạt chia sẻ.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, anh Đạt nhanh chóng đến nhà người hiến để lấy giác mạc
đem về ngân hàng mắt. Ảnh: HOÀNG LAN
59 là số giác mạc anh Đạt lấy được trong tám năm, giúp mang lại ánh sáng cho 49 người. |
Bốn năm không về tết
Lấy gần 60 giác mạc và chỉ cách mặt người quá cố 5-10 cm nhưng Đạt nói anh không tài nào nhớ nổi khuôn mặt người hiến. “Mỗi nhát cắt có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ của đôi mắt. Bệnh nhân nằm hồi sức quá lâu có thể làm căng cứng tăng áp lực nhãn, đưa dụng cụ vào không khéo có thể gây lòi ra ngoài. Lúc này người nhà thường đứng quanh theo dõi nên tôi phải tập trung cao độ” - anh giải thích lý do vì sao không nhớ mặt, chỉ nhớ mỗi đôi mắt người mất.
Thường lúc học cách lấy giác mạc, êkíp nào cũng có hai người. Tuy nhiên, do hội không tuyển được người nên anh Đạt phải tìm cách khắc phục khó khăn khi chỉ có một mình: “Thay vì êkíp hai người có người rọi đèn phụ cho người lấy chính thao tác thì tôi tự tin nhìn bằng mắt thường, không cần rọi đèn. Làm hai người chỉ cần bốn găng tay vô khuẩn nhưng làm một mình tôi phải dùng đến 10 găng tay…”.
Tám năm học và làm công việc này, thời gian anh về nhà chỉ tính trên đầu ngón tay. Lẽ ra tết là khoảng thời gian tranh thủ ở bên gia đình nhưng đã bốn năm nay anh chọn ăn tết nơi đất khách quê người. “Cách đây năm năm, tôi có về quê ăn tết nhưng lòng cứ thấp thỏm không yên, mùng 2 đã khăn gói lên TP. Tôi sợ có người hiến mà mình không tới kịp” - anh Đạt kể.
Tết năm 2020 vừa qua, mới 7 giờ sáng mùng 1 tết, anh nhận thông tin một phụ nữ 54 tuổi ở quận Gò Vấp khi đang sửa soạn đi chúc tết thì đột quỵ. Bà được đưa vào BV cấp cứu nhưng không qua khỏi nên gia đình liên lạc với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP và BV Chợ Rẫy để hiến đa tạng. Đến nhà người mất, anh cảm nhận gia đình khá bình tĩnh và cố gắng thực hiện di nguyện cuối cùng của người thân. Đạt tâm sự lúc mang giác mạc về ngân hàng mắt, lòng anh trĩu nặng, thầm cảm phục người ở lại trong lúc bối rối vẫn hoàn thành tâm nguyện tặng lại cho đời món quà vô giá từ người mất.
Công việc đi lấy giác mạc ngoài đòi hỏi phải đáp ứng về thời gian còn cần sự tỉ mỉ, cẩn thận do phải động chạm trên cơ thể người quá cố. Trong hai người được chúng tôi cử đi đào tạo giờ chỉ còn Đạt trụ lại. Ban đầu chúng tôi lo những bất tiện của công việc sẽ khiến người trẻ như Đạt khó lòng vượt qua nhưng Đạt vẫn kiên trì đến hôm nay thực sự rất đáng trân trọng. TS TRẦN THÀNH LONG, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM |
(PLO)- Người bệnh nguy kịch và mất tại nhà riêng, người nhà liền báo tin cho bác sĩ để đến nhà lấy hai giác mạc đem về bảo quản, ghép cho hai người cần.