Theo tạp chí Russian Beyond, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những khách hàng đầu tiên mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga.
Cụ thể, Ankara đã đặt mua hai hệ thống S-400 và việc bàn giao dự kiến sẽ hoàn tất vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 năm nay. Hợp đồng được ký vào năm 2018 trị giá khoảng 2,5 tỉ USD. Tháng 7-2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận lô S-400 đầu tiên từ Nga.
Hệ thống phòng không S-400 do Nga triển khai ở căn cứ không quân Hmeimim (Syria) hồi tháng 12-2015. Ảnh: AP
Dù vậy, trong bối cảnh chiến sự leo thang căng thẳng tại tỉnh Idlib (Syria), việc Ankara có thực sự được tiếp nhận lô còn lại hay không phụ thuộc vào kết quả của cuộc đàm phán giữa lãnh đạo hai bên vào giữa tháng 3-2020 tới.
Sức mạnh của S-400
Là một trong những hệ thống phòng không chống tên lửa mạnh nhất thế giới, S-400 là biến thể từ hệ thống tên lửa S-75 từng bắn hạ máy bay do thám U-2 của Mỹ trên không phận Nga vào năm 1960.
Sức mạnh của hệ thống này là lý do chính khiến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia mong muốn sở hữu bằng mọi giá.
Với phạm vi theo dõi vào khoảng 600 km, khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở phạm vi lên tới 400 km, độ cao 30 km, tốc độ bay nhanh chóng mặt 17.000 km/giờ, S-400 thực sự là một hệ thống phòng không đáng gờm.
Russian Beyond cũng cho biết mỗi khẩu đội S-400 khi tham gia tác chiến sẽ bao gồm bốn xe phóng với 16 tên lửa (mỗi xe phóng được trang bị bốn tên lửa) có khả năng bắn hạ chiến đấu cơ thế hệ mới và tên lửa hành trình ở cự ly 200 km.
Trong hợp đồng đặt mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài việc chuyển giao S-400 thì Nga sẽ hỗ trợ thêm một số phương tiện vận chuyển, trạm radar, trạm chỉ huy và các phương tiện quân sự khác. Bên cạnh đó, các lực lượng phòng không phụ trách vận hành chính S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ được huấn luyện và đào tạo tại Nga.
Rủi ro Nga nhận quả đắng từ chính vũ khí của mình
Với uy lực vượt trội của S-400 như trên, câu hỏi được đặt ra là liệu có khả năng Ankara sẽ dùng hệ thống này để đối phó máy bay Nga nếu chiến tranh tổng lực bùng nổ ở Idlib (Syria)? Hiện giới quan sát đưa ra nhiều nhận định trái chiều về viễn cảnh này.
Tổng biên tập tạp chí Arsenal of the Fatherland (Nga) - ông Viktor Murakhovsky cho rằng trên lý thuyết, khả năng trên hoàn toàn có thể xảy ra. Cụ thể, khi ký hợp đồng với Ankara, Moscow đã đồng ý sẽ bàn giao không chỉ hệ thống tên lửa mà còn một phần của công nghệ chế tạo S-400.
Tuy nhiên, nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin lại bác bỏ bất cứ kịch bản Thổ Nhĩ Kỳ dùng S-400 bắn lại Nga.
“Chúng tôi (Nga) không cung cấp cho nước thứ ba mã truy cập vào vũ khí tấn công chính xác của chúng tôi", ông Litovkin khẳng định.
Cũng theo chuyên gia này, linh kiện của bất kỳ hệ thống phòng không nào trên thế giới đều được giữ kín tuyệt mật và trong trường hợp bị lộ thì chỉ bị sơ hở tại nhà máy sản xuất.
"Nếu chúng tôi khởi động một chu kỳ sản xuất hoàn toàn ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo hợp đồng đã ký kết, việc bảo dưỡng S-400 sẽ được thực hiện tại các nhà máy của tập đoàn tên lửa Almaz-Antey ở Nga”, ông Viktor Litovkin lưu ý.
Ngoài ra, S-400 cũng được cho là đã trang bị sẵn hệ thống nhận dạng đồng minh hay kẻ thù trên chiến trường. Do đó, nhiều khả năng hệ thống này sẽ tự động bỏ qua mục tiêu là máy bay Nga trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tinh chỉnh thêm gì vào phần mềm của vũ khí.
“Đây không phải lần đầu tiên Nga cung cấp vũ khí có độ chính xác cao cho một thành viên NATO - vốn có khả năng quay lưng lại với chúng tôi một khi xung đột nổ ra. Những câu hỏi tương tự đã được đưa ra vào năm 1996 khi Nga bán hệ thống phòng không S-300 cho Hy Lạp. S-300 có thể bắn hạ bất cứ máy bay chiến đấu hoặc máy bay ném bom nào sẵn có ở thời điểm đó”, ông Viktor Litovkin nói thêm.