Tác động từ vụ kiện hình sự mới nhất nhắm vào ông Trump

(PLO)- Các chuyên gia pháp lý nhận định rắc rối pháp lý mới nhất của ông Trump “rất nghiêm trọng”, tác động đáng kể đến bản thân cựu tổng thống cũng như đảng Cộng hòa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-6 (giờ địa phương), cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có phiên trình diện Tòa án Liên bang ở TP Miami, bang Florida (Mỹ) sau các cáo buộc từ chính phủ rằng ông đã lưu giữ trái phép “hàng trăm” tài liệu mật khi rời Nhà Trắng, theo hãng tin Reuters. Tại tòa, ông Trump mặc bộ vest màu xanh dương, đeo cà vạt đỏ và giữ im lặng suốt 47 phút diễn ra phiên tòa. Luật sư của ông tuyên bố cựu tổng thống không nhận tội.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump ra tòa. Trước đó, vào tháng 4, ông đã bị Đại bồi thẩm đoàn Manhattan (bang New York) truy tố với cáo buộc ông chi tiền “bịt miệng” sao khiêu dâm Stormy Daniels trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump đã bác bỏ các cáo buộc khi ra trình diện tại tòa.

Kể từ lúc còn tại vị đến khi rời Nhà Trắng, ông Trump đã trải qua nhiều sóng gió pháp lý như hai lần bị luận tội, nhiều lần bị kiện, bị kết tội lạm dụng tình dục… Tuy nhiên, vụ việc lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều vì ông phải đối mặt với các cáo buộc hình sự ở cấp liên bang.

Ông Trump ghé nhà hàng Versailles (TP Miami, bang Florida) để gặp người ủng hộ sau khi dự phiên tòa ngày 13-6. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ông Trump ghé nhà hàng Versailles (TP Miami, bang Florida) để gặp người ủng hộ sau khi dự phiên tòa ngày 13-6. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Toàn cảnh vụ việc

Ngày 9-6, sau cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Jack Smith, Bộ Tư pháp Mỹ chính thức công bố bản cáo trạng gồm 37 cáo buộc chống lại ông Trump, cho rằng việc ông lưu trữ các tài liệu mật “gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia”.

Cáo trạng cho rằng ông Trump đã vi phạm Đạo luật gián điệp khi lưu giữ “một cách sai trái” các tài liệu của Lầu Năm Góc, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), Bộ Năng lượng Mỹ và một số cơ quan tình báo khác về những thông tin quốc phòng tối mật của Washington và các đồng minh. Bản cáo trạng dài 49 trang đi kèm hình ảnh các thùng tài liệu được đặt khắp nơi trong dinh thự Mar-a-Lago của ông tại bang Florida. Các công tố viên cũng cáo buộc ông Trump đã ít nhất hai lần đưa cho những người trong câu lạc bộ chơi golf của ông xem các tài liệu này.

Ngoài ra, Bộ Tư Pháp Mỹ cũng cáo buộc ông Trump âm mưu cản trở cuộc điều tra liên bang và khai man về vụ việc. Ông Waltine Nauta, trợ lý riêng của cựu tổng thống, cũng bị truy tố với cáo buộc hỗ trợ ông Trump cản trở cuộc điều tra.

Các chuyên gia pháp lý nhận định vụ kiện sẽ là một thách thức lớn cho ông Trump và nhóm pháp lý của ông. Ông Duncan Levin, cựu công tố viên liên bang của Bộ Tư pháp Mỹ, nói với tờ The New York Post rằng vụ việc lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với cáo buộc “dùng tiền bịt miệng” hồi tháng 4. Cùng ý kiến với ông Levin, ông Justin Danilewitz (một cựu công tố viên liên bang khác) nhận định đây sẽ là “một trận chiến khó khăn cho cựu tổng thống và đội ngũ pháp lý của ông”.

GS luật Claire Finkelstein, ĐH Pennsylvania (Mỹ), lưu ý rằng các cáo buộc về hành vi cản trở điều tra trong bản cáo trạng của ông Trump là nghiêm trọng hơn cả. Bà giải thích với đài ABC News rằng chính phủ liên bang luôn để tâm đến các cáo buộc can thiệp trong bất kỳ cuộc điều tra nào. Theo PGS luật Vida Johnson, ĐH Georgetown (Mỹ), đây là loại “tội phạm cổ điển” mà việc che đậy “tồi tệ hơn hành vi phạm tội”.

Với việc ông Trump tuyên bố không nhận tội, vụ án sẽ bước vào giai đoạn tố tụng trước khi xét xử, phiên tòa kế tiếp có thể sẽ diễn ra trong nhiều tháng tới. Theo giới phân tích, đội ngũ pháp lý của ông Trump sẽ tìm cách trì hoãn phiên tòa, có khả năng là cho đến sau cuộc bầu cử năm 2024.

Tác động của cáo trạng nghiêm trọng đến đâu?

Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này là bản cáo trạng trên sẽ ảnh hưởng thế nào đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024 của ông Trump? Giới phân tích cho rằng vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của bản cáo trạng nhưng sự ủng hộ của cử tri đảng Cộng hòa dành cho ông hiện vẫn khá vững chắc.

Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 12-6 cho thấy 81% cử tri đảng Cộng hòa được hỏi nói rằng bản cáo trạng của ông Trump xuất phát từ động cơ chính trị. Kết quả thăm dò cũng cho thấy ông tiếp tục dẫn trước các đối thủ trong đảng mình về mức độ yêu thích.

Theo đài CNN, ông Trump có thể tận dụng những rắc rối pháp lý như một chiến lược tranh cử, trong đó ông “xem mình là nạn nhân của một hệ thống tư pháp bị chính trị hóa”.

Sau phiên trình diện “không một tiếng nói” ngày 13-6, ông Trump được phép rời tòa mà không bị áp hạn chế hay phải nộp tiền bảo lãnh. Thẩm phán Jonathan Goodman yêu cầu cựu tổng thống không được liên lạc với các nhân chứng tiềm năng trong vụ án.

Trên thực tế, ông Trump có vẻ như đang áp dụng chiến lược này. Trong bài phát biểu với người ủng hộ tại bang New Jersey ngay sau khi trở về từ phiên tòa, ông Trump đã gọi các cáo buộc là “giả mạo” và “bịa đặt”, cho rằng Tổng thống Joe Biden và Bộ Tư pháp có hành vi lạm quyền. “Họ sẽ thất bại. Chúng ta sẽ chiến thắng” - ông nói và lưu ý thêm rằng các “tài liệu là của riêng ông” và ông “có mọi quyền” để giữ chúng theo Đạo luật hồ sơ tổng thống.

Về phía đảng Cộng hòa, vụ kiện của ông Trump bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc giữa các thành viên trong đảng. Trong khi nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã lên tiếng bảo vệ cựu tổng thống trước bản cáo trạng thì các lãnh đạo đảng tại Thượng viện vẫn im lặng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy khẳng định sẽ sát cánh cùng ông Trump. “Việc một tổng thống truy tố ứng cử viên hàng đầu của đảng khác là điều vô lương tâm. Ông Joe Biden cũng từng giữ các tài liệu mật trong nhiều thập niên. Tôi và những người Mỹ tin vào pháp quyền và sẽ sát cánh cùng cựu Tổng thống Trump chống lại sự bất công nghiêm trọng này” - ông viết trên Twitter. Phần mình, lãnh đạo phe đa số ở Hạ viện Steve Scalise cho rằng “bản cáo trạng giả tạo này là sự tiếp nối cuộc đàn áp chính trị bất tận đối với ông Donald Trump”.

Trong khi đó, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã không bình luận, thậm chí không nhắc tên của cựu tổng thống trong các cuộc phỏng vấn gần đây. Các cấp phó của ông cũng có động thái tương tự.

Ngoài ra, bản cáo trạng của ông Trump cũng đang gây bối rối cho các ứng cử viên tổng thống còn lại trong đảng Cộng hòa, theo CNN. Các đối thủ của ông phải cẩn trọng khi đưa ra phản ứng trước cáo trạng của cựu tổng thống. Việc ủng hộ hoàn toàn các tuyên bố của ông Trump đồng nghĩa các ứng cử viên này đang tự nguyện “đưa mình xuống phần điệp khúc trong vở kịch” của ông. Ngược lại, việc chỉ trích ông Trump càng không có lợi, thậm chí sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên này, vì suy cho cùng ông Trump vẫn là một đảng viên Cộng hòa đang bị chính phủ liên bang của đảng Dân chủ truy tố.

Theo CNN, trong bối cảnh vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm nhất của đảng Cộng hòa là ông Trump bị phe Dân chủ nhắm mục tiêu một cách không công bằng thì các ứng cử viên khác khó duy trì sự chú ý trong cuộc đua trong đảng. Hiện tại, các đối thủ của ông Trump như Phó Tổng thống Mike Pence và Thống đốc DeSantis đã lên án việc chính trị hóa Bộ Tư pháp. Phần mình, cựu Đại sứ Nikki Haley ban đầu lên án bản cáo trạng nhưng sau đó thì “quay xe” chỉ trích ông Trump.•

Ông Biden chọn chiến lược im lặng giữa lùm xùm của ông Trump

Từ khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản cáo trạng ông Trump, Tổng thống Joe Biden luôn cố gắng tránh xa vấn đề và không đưa ra bất cứ bình luận nào liên quan đến người tiền nhiệm, theo hãng tin AFP.

Cụ thể, hồi ngày 9-6, khi được hỏi về quan điểm đối với vụ bê bối của cựu tổng thống, ông Biden thẳng thừng nói: “Tôi sẽ không đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này”.

Giới quan sát cho rằng sự im lặng của ông Biden là một tính toán chiến lược, bởi bất cứ sơ sẩy nào xảy ra trong thời điểm này đều có thể ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng của ông vào năm tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm