Trong bài viết ngày 26-3 đăng trên tờ South China Morning Post, GS Dale Fischer thuộc ĐH Quốc gia Singapore đã chỉ ra những lý do tạo nên thành công trong chiến dịch phòng, chống đại dịch COVID-19 ở đảo quốc này.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh các biện pháp ứng phó với dịch của Singapore đến nay cũng đã được nhiều quốc gia coi là hình mẫu và học hỏi.
Tính tới chiều cùng ngày (giờ Việt Nam), Singapore ghi nhận 636 ca nhiễm COVID-19 với hai trường hợp tử vong. Đáng chú ý, tốc độ lây nhiễm của virus gây dịch COVID-19 tại nước này chậm hơn nhiều so với nhiều khu vực còn lại của thế giới.
Các nhà khoa học trực thuộc Bộ Nội vụ Singapore tiến hành sản xuất kit xét nghiệm COVID-19 tại phòng thí nghiệm ngày 5-3. Ảnh: REUTERS
Chuẩn bị sớm cho mọi tình huống
Theo GS Dale Fischer, yếu tố đầu tiên giúp Singapore ứng phó hiệu quả với COVID-19 là bởi quốc gia này đã có kinh nghiệm xử lý dịch SARS (Hội chứng suy hô hấp cấp tính) vào giai đoạn 2002-2003.
Lúc đó, chính phủ Singapore tự đánh giá cơ sở hạ tầng y tế trong nước chưa thể đáp ứng được yêu cầu ứng phó khẩn cấp với sự bùng phát của những đại dịch nếu có xảy ra trong tương lai.
Do đó, kể từ thời điểm dịch SARS lây lan, Singapore đã bắt tay vào xây dựng những bệnh viện nằm ở khu vực tách biệt, lắp đặt thêm nhiều phòng áp lực âm và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm.
Nhân viên y tế tại BV Mount Elizabeth, Singapore ngày 12-3. Ảnh: AP
Ngày 31-12-2019, khi thế giới bắt đầu ghi nhận những thông tin đầu tiên về COVID-19 ở Trung Quốc, nhà chức trách Singapore đã bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị.
Thậm chí, Singapore đã sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ngay trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 1.
Đến tháng 2, các nhà chức trách Singapore hoàn toàn ý thức được tác động của chủng Corona mới lên hệ thống y tế, xã hội và kinh tế từ những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.
Cũng vào thời gian này, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại châu Á mới bắt đầu lo lắng và rục rịch cho công tác chuẩn bị ứng phó với đại dịch nhưng ở nhiều khu vực khác trên thế giới như châu Âu, người dân lẫn chính phủ đều bình thản và có phần chủ quan.
Quyết liệt cách ly, quyết liệt giám sát
Một thành công lớn khác của Singapore đó là không để những bệnh nhân dương tính với COVID-19 ở lại cộng đồng.
Giới chức y tế Singapore cho rằng việc để người nhiễm COVID-19 tự cách ly, điều trị tại nhà là không hiệu quả bởi trong quá trình cách ly tại nhà, người bệnh vẫn có thể tiếp xúc với người trong nhà và khách tới thăm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Vì vậy, tất cả bệnh nhân tại Singapore đều được đưa tới điều trị tại bệnh viện và chỉ được quay trở lại cộng đồng sau khi cơ sở y tế xác nhận đã điều trị thành công và xét nghiệm âm tính.
Song song với đó, Singapore cũng triển khai giám sát chặt chẽ những người tiếp xúc gần với những trường hợp dương tính để phát hiện ngay những người có triệu chứng sớm.
Tất cả những người này đều phải được làm xét nghiệm và chỉ được cách ly tại nhà để theo dõi thêm nếu không có triệu chứng.
Việc cách ly tại nhà được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trong ngày, người cách ly sẽ nhận được vài tin nhắn và sẽ phải click vào đường link để cơ quan quản lý biết họ đang ở đâu. Trong trường hợp người cách ly cố tình gian lận, nhà chức trách sẽ gõ cửa tận nhà và xử phạt rất nặng.
Tuyên truyền đồng bộ và hiệu quả
Bên cạnh các biện pháp xử lý người nhiễm và cách ly quyết liệt, chính quyền Singapore còn tổ chức các chiến dịch truyền thông rộng khắp với mức độ phối hợp và đồng bộ cao.
Theo GS Dale Fischer, thông điệp mà giới lãnh đạo muốn truyền tải đến người dân là nếu bị ốm, hãy ở nhà. Nếu bị ốm và từng tiếp xúc với người nhiễm COVID-19, hãy đi làm xét nghiệm. Nếu không thể ở nhà và phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang. Nếu ho, hãy ho vào khuỷu tay áo. Tránh đám đông và nên ở trong nhà.
Truyền thông mạnh mẽ và liên tục giúp người dân hiểu rõ những gì họ nên làm và hiểu được hậu quả nếu họ không thực hiện theo những biện pháp đã được khuyến cáo.
Đặc biệt, thông tin từ chính phủ luôn rõ ràng, nhất quán và minh bạch. Chính phủ cung cấp cho người dân số liệu mới nhất về tình hình dịch bệnh tại Singapore, thế giới và khuyến cáo những biện pháp chống dịch mà người dân cần thực hiện.
Ngoài ra, các cơ quan truyền thông còn thực hiện những chiến dịch tuyên truyền bằng hình ảnh hoạt hình. Những thông điệp đơn giản, dễ hiểu, giúp người dân dễ tiếp cận trở nên vô cùng phổ biến trong xã hội, với lượt xem trực tuyến có thể lên tới hơn 1 triệu lượt. Các poster dạng hoạt hình này cũng được WHO dịch ra nhiều thứ tiếng để đem áp dụng tại các quốc gia khác.
Một tranh tuyên truyền về trình tự lột bỏ đồ bảo hộ dành cho nhân viên y tế Singapore. Ảnh: SCMP
Nâng cao năng lực xét nghiệm
Trong những tuần đầu tiên khi dịch bệnh mới xuất hiện, ngành y tế Singapore chủ yếu xét nghiệm những công dân từ TP Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.
Sau đó, đối tượng xét nghiệm được mở rộng thành tất cả công dân đã ở Trung Quốc trong vòng 14 ngày trước đó. Đến cuối tháng 1, tất cả bệnh viện công ở Singapore đều có quyền thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Ngoài ra, Singapore còn đẩy mạnh việc chẩn đoán bằng hình ảnh đối với toàn bộ bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng bất thường nào về hô hấp khi tới khám tại các bệnh viện.
Hiện nay, việc xét nghiệm được áp dụng rộng rãi hơn, cả với những đối tượng có triệu chứng viêm đường hô hấp nhẹ.
Đơn cử, nếu đối tượng là một nhân viên y tế và có triệu chứng về hô hấp, người này sẽ được làm xét nghiệm COVID-19.
Nếu đối tượng chưa từng tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi nhiễm và triệu chứng chưa rõ rệt, họ sẽ được cấp giấy chứng nhận về y tế và được ở nhà năm ngày để theo dõi sức khỏe. Trong thời gian ở nhà, họ sẽ được nhà nước hỗ trợ trợ cấp do không thể đi làm.
Bài học cho những nước khác
GS Dale Fischer cho rằng dù mỗi nước có hệ thống y tế cũng như thể chế chính trị khác nhau, chìa khóa cho một chiến dịch phòng, chống COVID-19 thành công nằm ở sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các ban ngành trung ương và địa phương.
Chỉ khi phối hợp thành công thì mọi người dân, mọi quan chức trong xã hội mới nắm rõ được vai trò và trách nhiệm của mình trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh chung. Thông tin rõ ràng cũng giúp người dân cảm thấy thoải mái hơn khi chấp hành các hạn chế và quy định của chính phủ.
Singapore hiện tin tưởng vào ý thức chấp hành của người dân và khả năng phối hợp của các cơ quan công quyền đến mức nước này không cần phải dùng đến biện pháp phong tỏa toàn quốc như nhiều nước đang làm.
"Mọi thứ đều diễn ra bình thường. Bệnh viện, nhà trường, các nhà thờ đều mở cửa hoạt động và chỉ cần điều chỉnh một chút mỗi khi có diễn biến mới. Tất cả đều sẽ diễn ra như vậy cho đến khi có liệu pháp điều trị hoặc vaccine mới" - ông Fischer chia sẻ.